Trong tuần qua, VN-Index bắt đầu với 1.168 điểm và đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 1.181 điểm. Trong 5 phiên giao dịch, thị trường nhiều lần tiệm cận ngưỡng lịch sử 1.185 – 1.200 điểm nhưng ngay sau, lực bán đã kéo chỉ số đi xuống. Thanh khoản trên HOSE duy trì từ 14 – 17 nghìn tỷ đồng với khối lượng giao dịch từ 620 – 720 nghìn cổ phiếu mỗi phiên.
Trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index tuy giảm nhưng không lớn, vẫn duy trì ở ngưỡng 1.160 điểm. Hai phiên sau đó, thị trường tăng điểm, thử thách lại vùng ngưỡng 1.180 – 1.200 điểm nhưng chưa có được sự đột phá. Phiên giao dịch cuối tuần, sàn HOSE có 182 mã tăng và 280 mã giảm, nhóm VN30 chỉ có 7 mã tăng, sắc đỏ chiếm ưu thế. Một số mã lớn như VCB, VHM, VNM, TCB, CTG có mức điều chỉnh nhẹ, GAS giảm 1,7% xuống mức 91.100 đồng/cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu nhỏ có mức thanh khoản tốt, HQC tăng trần 3.080 đồng/cổ phiếu và thanh khoản tốt 27,74 triệu đơn vị. FLC tăng lên 6.900 đồng/cổ phiếu nhờ tin lợi nhuận sau thuế 2020 tăng gần 70% so với ước tính trước đó và được ra khỏi danh sách không đủ điều kiện ký quỹ. Một số mã khác như ROS, ITA, DLG… đều có mức tăng giá và thanh khoản tốt.
Phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng thị trường có thể vấp phải áp lực điều chỉnh trở lại khi tiếp cận vùng cản 1.185-1.200 điểm. Về tổng thể, thị trường vẫn dao động trong vùng được giới hạn bởi cận trên là vùng cản 1.185-1.200 điểm và cận dưới 1.150-1.155 điểm.
Điều thu hút sự chú ý trên thị trường tuần qua là cuộc làm việc giữa Bộ Tài chính và Tập đoàn FPT về giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán. Trong cuộc làm việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đưa ra thông điệp trước mắt không áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000 nhưng khuyến khích việc chuyển đổi giao dịch một số cổ phiếu từ HoSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của HoSE, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống giao dịch chứng khoán. Như vậy, giải pháp nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu vốn gây ra nhiều tranh cãi vào tuần trước tạm thời sẽ không áp dụng.
Các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính và Sở giao dịch chứng khoán được giao chủ động phối hợp với FPT để triển khai phương án giải quyết tình trạng tắc nghẽn mạng trong giao dịch chứng khoán. Giải pháp thực hiện không làm gián đoạn thị trường và ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Phương án xử lý tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán sẽ được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)