Quang cảnh buổi làm việc |
Thay mặt Nhóm chuyên gia của IFC, bà Nina Mocheva bày tỏ vui mừng khi được đến thăm và làm việc với VNBA .
Bà cho biết, trong những năm gần đây, IFC đã thực hiện một số dự án dựa trên cơ sở hợp tác với nhiều quốc gia ở Đông Á và các khu vực khác trên thế giới để hỗ trợ các quốc gia này xử lý vấn đề nợ xấu gia tăng, đặc biệt ở khu vực quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân.
Liên quan đến xử lý nợ xấu, bà Nina Mocheva cho rằng việc thiết lập thị trường thứ cấp và một số điều kiện tiên quyết nhằm tạo thuận lợi cho thị trường có vai trò quan trọng, đặc biệt là sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân. Một trong những sáng kiến mà IFC đã hợp tác với các quốc gia khác thực hiện là thông qua xây dựng năng lực của ngân hàng và các định chế tài chính để giúp xử lý nợ xấu bằng phương thức ngoài tòa án. Điều này giúp tăng hiệu quả về kinh tế hơn trong xử lý nợ xấu.
Tại buổi làm việc này với VNBA, bà Nina mong muốn được nghe những nhận định, đánh giá của VNBA về thực tiễn xử lý nợ xấu tại Việt Nam hiện nay, qua đó có thể hỗ trợ, tư vấn, gợi ý cho các cơ quan, tổ chức liên quan về xử lý nợ xấu thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, thông lệ, sáng kiến đã thực hiện thành công thời gian qua.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng phát biểu |
Chia sẻ về vấn đề xử lý nợ xấu tại Việt Nam, Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Chính phủ Việt Nam cũng như Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý nợ xấu như thành lập Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) vào năm 2013, Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu và Nghị quyết này được gia hạn đến tháng 8/2023... Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấu hiện còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến khâu xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ). Theo đó, quy định của pháp luật đối với việc xử lý TSBĐ để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu trong ngành Ngân hàng; TCTD và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) không được chủ động toàn quyền xử lý TSBĐ khi khách hàng vay không trả được nợ; thực tế xử lý TSBĐ, tranh chấp tại tòa còn gặp nhiều ách tắc, thời gian xử lý kéo dài; không thể thi hành án ngay cả khi bản án có hiệu lực do những vướng mắc pháp lý liên quan đến chỗ ở theo quy định của Luật Dân sự; TSBĐ của các khoản nợ xấu có liên quan đến các vụ án trọng điểm đang trong quá trình điều tra, tố tụng, nên quá trình xử lý nợ xấu bị kéo dài, đến khi bàn giao thì giá trị đã xuống thấp; Nghị quyết 42 cho phép sử dụng hình thức rút gọn song thực tế chưa có trường hợp nào xử lý được bằng hình thức này. Mặt khác, hành lang pháp lý cho xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động. Trách nhiệm và ý thức trả nợ của người vay chưa cao,....
Nhóm chuyên gia Tài chính cao cấp IFC tại buổi làm việc với VNBA |
Hoàn toàn đồng tình với những ý kiến chia sẻ từ Tổng Thư ký VNBA, đại diện IFC bày tỏ mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VNBA, đồng thời gợi ý một số công việc triển khai trong thời gian tới để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu cũng như phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
Sau khi thảo luận, hai bên đã thống nhất các công việc có thể hợp tác ngay, đó là: 1/phát triển thực tiễn tốt về tái cấu trúc nợ xấu ngoài tòa thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm đã được triển khai thành công tại một số nước trên thế giới; 2/ xây dựng hợp đồng khung liên quan đến hợp đồng thế chấp TSBĐ để làm hợp đồng mẫu cho các TCTD áp dụng.
Tiếp theo, trong thời gian tới, hai bên có thể xem xét, phối hợp xây dựng Bộ quy tắc hướng dẫn xử lý nợ/tái cấu trúc nợ ngoài tòa để làm tài liệu tham khảo cho các TCTD.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cùng đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị CQTT VNBA chụp ảnh lưu niệm với đoàn chuyên gia của IFC |
Minh Ngọc -