Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, việc thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã đưa ra hướng dẫn về mặt pháp lý kịp thời cho hệ thống các Ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH-14 thí điểm về xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Luật Các tổ chức tín dụng được kỳ vọng sẽ mang đến sự an toàn, ổn định và phát triển bền vững cho hệ thống các NHTM.
Hình minh họa |
Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần và giới hạn cấp tín dụng đối với cổ đông lớn và các bên liên quan
Tình trạng sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng (TCTD) đang là một trong những vấn đề nổi cộm trong thời gian vừa qua. Để giảm thiểu tình trạng này, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), sau đây gọi tắt là Luật, đã đưa ra các quy định về i) giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn; ii) giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan so với quy định trong Luật các tổ chức tín dụng 2010. Đồng thời, Luật bổ sung quy định công bố thông tin đối với cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ.
Quy định lại về quyền thu giữ và chuyển nhượng tài sản đảm bảo
Một trong những nội dung được thảo luận trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là quyền thu giữ tài sản đảm bảo và quyền chuyển nhượng tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42/2017/QH-14 thí điểm về xử lý nợ xấu được cho là đã có hiệu quả rõ rệt trong việc giúp các TCTD đẩy nhanh quá trình thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo, từ đó đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu.
Một trong những nguyên nhân được cho là Điều 7 – Quyền thu giữ tài sản đảm bảo, đã quy định TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu của bên bảo đảm, tránh được tình trạng người đi vay tiền không phối hợp bàn giao tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, trong Luật được thông qua lần này đã không đề cập gì đến quyền thu giữ tài sản đảm bảo.
Chúng tôi cho rằng nếu có những quy định rõ ràng hơn của các cơ quan chức năng về quyền “thu giữ tài sản đảm bảo” thì các TCTD sẽ có thể xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Bổ sung quy định về can thiệp sớm các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ và xử lý rủi ro rút tiền hàng loạt
Câu chuyện rút tiền hàng loạt tại SCB trong năm 2022 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro rút tiền hàng loạt (bank run), gây ra nguy cơ rủi ro thanh khoản cho toàn hệ thống. Trong Luật Các tổ chức tín dụng lần này đã bổ sung thêm quy định về can thiệp sớm các TCTD cần hỗ trợ và quy định về xử lý trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt. Động thái này sẽ hỗ trợ ổn định tâm lý thị trường và người gửi tiền trước những lo ngại về rủi ro thanh khoản hệ thống trong tương lai.
Nguyễn Thanh (t/h)