Theo báo cáo tài chính quý 4/2024 của Công ty CP VNG (UPCoM: VNZ), tính đến thời điểm ngày 28/10/2024, tập đoàn này sở hữu 14,61% cổ phần tại Tiki Global. Tuy nhiên, VNG đã chính thức miễn nhiệm hai đại diện của mình trong Ban Giám đốc của Tiki Global, đồng nghĩa với việc không còn duy trì sự ảnh hưởng đáng kể đối với hoạt động của công ty này. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, từ thời điểm này, Tiki Global không còn được xem là công ty liên kết của VNG. Khoản đầu tư vào Tiki hiện nay được ghi nhận dưới danh mục đầu tư tài chính dài hạn.
![]() |
Hình minh họa |
Dù vẫn là cổ đông lớn, VNG sẽ không tham gia vào công tác điều hành hay định hướng phát triển của Tiki Global. Theo số liệu tài chính, tập đoàn này đã đầu tư tổng cộng 510 tỷ đồng vào Tiki Global, song từ quý 1/2019, giá trị của khoản đầu tư này đã về mức 0. Điều này có nghĩa VNG đã ghi nhận toàn bộ số tiền đầu tư vào Tiki như một khoản lỗ. Việc VNG không tiếp tục rót vốn cũng đảm bảo rằng dù Tiki có gặp khó khăn tài chính hay tiếp tục thua lỗ, điều đó sẽ không tác động đến kết quả kinh doanh của VNG.
![]() |
Khoản đầu tư hơn 500 tỷ của VNG vào Tiki đã ghi nhận lỗ hoàn toàn (Theo BCTC VNG năm 2024) |
Tiki Global được thành lập vào năm 2010 tại TP.HCM, ban đầu chỉ tập trung vào mảng bán sách trực tuyến. Tuy nhiên sau đó công ty mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác, bao gồm điện tử, thời trang, gia dụng, sức khỏe, làm đẹp và nhiều mặt hàng khác. Sự phát triển của Tiki đi kèm với các vòng gọi vốn từ nhiều nhà đầu tư lớn. Năm 2012, công ty nhận được khoản đầu tư đầu tiên từ quỹ Cyberagent. Tiếp theo, vòng Series B chứng kiến sự tham gia của tập đoàn Sumimoto. Đáng chú ý nhất, vào tháng 5/2016, VNG đã rót 17 triệu USD (khoảng 384 tỷ đồng) vào Tiki, đổi lấy 38% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất của sàn thương mại điện tử này.
Dù có sự hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn, Tiki vẫn gặp nhiều thách thức trong một thị trường đầy tính cạnh tranh. Các đối thủ như Lazada và Shopee không ngừng đầu tư mạnh mẽ để giành thị phần, buộc Tiki phải liên tục huy động thêm vốn để duy trì hoạt động. Mặc dù là cổ đông lớn nhất, VNG chỉ tham gia một đợt chào bán riêng lẻ vào đầu năm 2018, góp thêm 120 tỷ đồng, nhưng không tiếp tục đầu tư sau đó. Điều này khiến Tiki phải tự tìm kiếm các nguồn vốn khác để duy trì cuộc đua với những "gã khổng lồ" thương mại điện tử.
Từ khi thành lập cho đến nay, Tiki chưa từng công bố việc đạt điểm hòa vốn hay có lợi nhuận, điều mà một số sàn thương mại điện tử khác đã làm được tại thị trường Việt Nam.
Bối cảnh thị trường cũng không ủng hộ Tiki khi sự xuất hiện của các đối thủ mạnh khiến công ty này dần mất đi thị phần. Trước khi Shopee gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2016, cuộc cạnh tranh chủ yếu chỉ diễn ra giữa Tiki và Lazada. Tuy nhiên, Shopee đã nhanh chóng thay đổi cục diện bằng cách chi mạnh tay cho các chương trình khuyến mãi và miễn phí vận chuyển. Chỉ trong vòng hơn hai năm, Shopee vươn lên dẫn đầu, vượt qua cả Lazada và Tiki.
Báo cáo thị trường mua sắm trực tuyến năm 2018 của Q&Me cho thấy Shopee đã chiếm 35% thị phần, chính thức vượt mặt Lazada để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam. Trong khi đó, thị phần của Lazada giảm xuống còn 20%, còn Tiki chỉ nắm giữ 17%. Những năm sau đó, khoảng cách giữa Tiki và Shopee ngày càng nới rộng, khiến vị thế cạnh tranh của Tiki ngày càng trở nên khó khăn hơn trong thị trường đầy biến động.
![]() | Thanh khoản mất hút, chứng khoán lùi sâu, đâu là nguyên nhân chính? Thị trường chứng khoán cuối tuần giảm mạnh với việc VN-Index giảm 15,3 điểm xuống mức 1.230,5. Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức ... |
![]() | Gói đầu tư 500 tỷ USD vào AI từ Nhà Trắng thắp sáng Phố Wall Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng nhờ báo cáo kinh doanh khả quan và gói đầu tư AI 500 tỷ USD từ Nhà ... |
Thu Hà