Vụ 'hô biến' tiền gửi ở SCB thành hợp đồng mua bảo hiểm: Manulife Việt Nam lỗ triền miên, nợ chồng chất

07/02/2023 - 23:35
(Bankviet.com) Chiếm lĩnh thị phần không nhỏ bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, doanh thu của Manulife Việt Nam tăng trưởng đều đặn trong những năm qua. Tuy nhiên, trái ngược với đó, Manulife Việt Nam luôn gây bất ngờ khi công bố những khoản thua lỗ rất đậm.
Vụ 'hô biến' tiền gửi ở SCB thành hợp đồng mua bảo hiểm: Manulife Việt Nam lỗ triền miên, nợ chồng chất

Tính đến cuối năm 2021, tổng số lỗ lũy kế của Manulife Việt Nam tiến sát ngưỡng 8.000 tỷ đồng, "ăn mòn" vốn chủ sở hữu xuống còn 14.385 tỷ đồng.

Theo một số nguồn tin, mới đây, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã chuyển đơn tố cáo của hàng chục người dân về việc họ đi gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB song bị "hô biến" thành hợp đồng bảo hiểm với Công ty TNHH Manulife Việt Nam tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an để xem xét, giải quyết theo quy định.

Những lá đơn này cùng tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc Ngân hàng SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.

“Căn cứ quy định của Luật Tố cáo, Nghị định 31/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, Thông tư số 05/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, Bộ Tài chính chuyển đơn đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật và thông báo kết quả tới Bộ Tài chính”, phiếu chuyển đơn của Bộ Tài chính nêu rõ.

Mối "lương duyên" Ngân hàng SCB - Manulife Việt Nam

Theo tìm hiểu, từ năm 2015, Ngân hàng SCB và Manulife Việt Nam đã chính thức đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác lên nấc thang mới. Bằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác, hệ thống mạng lưới của Ngân hàng SCB đảm trách phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Manulife Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Manulife Việt Nam sử dụng kênh ngân hàng để đẩy mạnh hoạt động chào bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của mình. Khởi đầu hợp tác chỉ trong phạm vi 2 chi nhánh của SCB, sau đó mở rộng ra hàng trăm chi nhánh khác, phủ kín các thị trường đầy tiềm năng trong nước.

Cú bắt tay với Manulife Việt Nam là bàn đạp giúp SCB lọt vào top 5 ngân hàng có dịch vụ bảo hiểm liên kết tốt nhất khu vực châu Á trong Lễ trao giải thưởng Asia Trusted Life Agents & Advisers Awards tổ chức tại Singapore hồi tháng 7/2017.

Trước "lùm xùm" tại Manulife Việt Nam, Ngân hàng SCB cũng đang vướng vào bê bối lịch sử, bị dư luận đồn đoán có mối quan hệ mật thiết với "bà trùm" bất động sản Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), nghi phạm bị bắt vào tháng 10/2022 do "bị cáo buộc gian lận liên quan đến việc phát hành và mua bán trái phiếu" trong giai đoạn 2018-2019.

Ngay sau đó, phía Ngân hàng Nhà nước thông báo đã đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt và có hành động thay thế dàn lãnh đạo của nhà băng này. Ông Vũ Anh Đức, cựu Giám đốc VietinBank Chi nhánh TP.HCM, sinh năm 1977, theo đó trở thành tân Chủ tịch HĐQT của SCB; cùng hàng loạt tên tuổi lừng danh khác được tín nhiệm, giao cho vị trí nòng cốt tại SCB.

Manulife Việt Nam càng làm, càng lỗ?

Manulife Việt Nam là doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài, là thành viên của Tập đoàn Tài chính Manulife, tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ tài chính có vị thế lớn mạnh trên thế giới.

Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, Manulife gần như chiếm lĩnh thị phần, đặc biệt trong những năm trở lại đây khi thường xuyên nằm trong top dẫn đầu, vượt qua những đối thủ "nặng ký" như Prudential, Dai-ichi Life, MB Ageas.

Chẳng hạn theo số liệu được Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) công bố, giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022, Manulife dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới với 6.863 tỷ đồng, trong tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới toàn thị trường đạt khoảng 37.677 tỷ đồng (tăng 6,35% so với cùng kỳ năm 2021).

Bên cạnh đó, Manulife xếp thứ hai về tổng doanh thu phí bảo hiểm, đạt 22.790 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2022, chiếm xấp xỉ 18% thị phần; chỉ sau Bảo Việt Nhân thọ (24.457 tỷ đồng, chiếm thị phần 19,25%). Trong khi đó, Prudential ngồi ở vị trí thứ ba, với 21.484 tỷ đồng, tương ứng 16,71% thị phần; Dai-ichi Life (15.694 tỷ đồng, chiếm thị phần 12,35%)...

Vì lẽ đó, những năm 2015-2021, Manulife Việt Nam chứng kiến doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng đều đặn qua từng năm. Tuy nhiên, một điểm khá trái chiều đó là doanh nghiệp luôn gây bất ngờ khi báo cáo những khoản thua lỗ rất đậm.

Xét riêng giai đoạn 2015-2021 (số liệu tài chính năm 2022 hiện chưa được công bố), Manulife Việt Nam chỉ có lãi vào năm 2016 và 2019, lần lượt đạt 372 tỷ đồng và 1.031 tỷ đồng. Lợi nhuận đó chẳng thấm tháp vào đâu nếu đặt cạnh tổng số lỗ, đơn cử năm 2021 đã lỗ trên 4.740 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2021, tổng số lỗ lũy kế của Manulife Việt Nam tiến sát ngưỡng 8.000 tỷ đồng, "ăn mòn" vốn chủ sở hữu xuống còn 14.385 tỷ đồng. Việc lỗ nặng năm 2021 là tác nhân trọng yếu buộc doanh nghiệp phải gấp rút tăng vốn, từ 13.095 tỷ đồng lên 22.220 tỷ đồng nhằm bảo đảm nguồn lực hoạt động, cũng như giảm bớt rủi ro mất cân đối tài chính.

Theo đó, nợ phải trả của Manulife Việt Nam cùng thời điểm đạt trên 78.580 tỷ đồng, tăng 1,5 lần trong năm 2021. Trong đó, dư nợ dài hạn đạt 64.700 tỷ đồng, tăng 45% phần lớn là dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm dài hạn. So với vốn chủ sở hữu, tổng nợ tại Manulife Việt Nam cao gấp 5,5 lần.

Việc "cõng" lỗ lịch sử xảy ra trong bối cảnh doanh thu của Manulife Việt Nam vụt lên đỉnh cao. Trong đó, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 24.143 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2020; doanh thu hoạt động tài chính đạt 5.068 tỷ đồng doanh thu, tăng 8,5%.

Loạt chi phí quá lớn, tăng cao là nguyên nhân kéo sụt lợi nhuận xuống mức âm chưa từng có của "ông lớn" bảo hiểm nhân thọ này.

Thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của Manulife Việt Nam đạt 92.967 tỷ đồng, tăng 50% so với thời điểm đầu năm. Trong năm, doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư ngắn hạn lên 14.424 tỷ đồng, tăng 36,5%; trong đó, các khoản đầu tư vào cổ phiếu là hơn 5.810 tỷ đồng, tăng thêm 1.200 tỷ đồng so với đầu năm.

Đặc biệt, Manulife Việt Nam đã chi hơn 685 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn trái phiếu doanh nghiệp, trong khi năm trước đó không ghi nhận giá trị ở khoản mục này.

Ngoài ra, các khoản đầu tư dài hạn của Manulife Việt Nam cũng tăng 37% so với đầu năm, đạt hơn 53.746 tỷ đồng chủ yếu là đầu tư trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính quyền địa phương.

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán