Vụ cô giáo bị phụ huynh học sinh hành hung: Thông tin mới nhất Vụ học sinh hành hung giáo viên ở Tuyên Quang: Tạm đình chỉ công tác Hiệu trưởng |
Cô H liên tục bị học trò khiêu khích, trêu tức
Nhiều ngày sau khi sự việc clip nữ giáo viên bị học sinh hành hung tại Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang), cô giáo Phan Thị H (38 tuổi, giáo viên dạy bộ môn Âm nhạc) liên tục bị mất ngủ, phải uống thuốc để ổn định tinh thần.
Cô H cho biết, sự việc ngày 29/11 không phải lần đầu tiên cô bị học trò khiêu khích, trêu tức. Những lần trước, cô đều báo cáo lãnh đạo nhà trường nhưng không được giải quyết.
“Ngày hôm qua (6/12) tôi vẫn đến trường tuy nhiên thời gian phần lớn chỉ di chuyển ở một góc sân trường” – nữ giáo viên bộc bạch.
Nhớ lại vụ việc ngày 29/11, cô H chia sẻ, ngày hôm đó khi cô vào tiết dạy học tại lớp 7C. Lúc đó, thấy 2 học sinh đang ngồi ghế đá bên ngoài, cô nhắc nhở các em vào lớp nhưng các em không nghe, thậm chí có nói lời lẽ không tốt với cô. Sau đó, một số học sinh khác tự ý chạy ra ngoài khi chưa có sự đồng ý của giáo viên.
Khi nữ giáo viên viết lên bảng nhưng một số học sinh xóa, không cho dạy. Được nhắc nhở thì các em liền bao vây giáo viên lại. Hết tiết học, các học sinh chốt cửa, nhốt cô H. trong lớp. Sự việc sau đó được bảo vệ phát hiện và giải tỏa.
“Kết thúc giờ giảng ở lớp 7C, tôi dạy tại lớp 6A. Hết tiết học, các em lớp 7C lại kéo sang chửi bới, xúc phạm tôi, sau đó đóng cửa không cho tôi ra ngoài. Lúc đó, bị dồn nén nên đã có những lời lẽ và phản ứng lại đối với các học sinh. Kết quả tôi bị học sinh ném đồ vật vào đầu” – cô H cho hay.
Những lần trước, cô đều báo cáo lãnh đạo nhà trường nhưng không được giải quyết. Ảnh cắt từ clip |
Cũng liên quan đến vụ việc này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo Công đoàn Giáo dục tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Sơn Dương xử lý vụ việc theo hướng: Kiên quyết xử lý hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm nhà giáo trong các cơ sở giáo dục. Sự việc này liên quan đến nhà giáo, người lao động trong ngành giáo dục.
Vì vậy, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Công đoàn giáo dục các tỉnh, thành phố đề xuất phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị, trường học tăng cường các biện pháp giáo dục học sinh, thực hiện kỷ cương trường học, kỷ luật học đường; thực hiện nghiêm túc phương châm: “Thầy ra thầy - Trò ra trò” trong các nhà trưởng.
Chỉ đạo công đoàn các trường học rà soát thông tin, nắm bắt các vấn đề nảy sinh, kịp thời can thiệp, giải tỏa, chấn chỉnh để không xảy ra các hiện tượng vi phạm qui định đạo đức nhà giáo, các hiện tượng học sinh vi phạm kỷ luật. Đặc biệt là các vấn đề về công tác quản lý, quản trị trường học.
Chỉ đạo, phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện chỉ đạo công đoàn các trường học trên địa bàn có biện pháp bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng của nhà giáo, người lao động; tiếp tục triển khai một cách hiệu quả Kế hoạch 103/CĐN ngày 2/4/2019 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam về “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới".
Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ giáo viên có năng lực nghề nghiệp vững vàng; có kỹ năng xử lý, giải quyết các tình huống sư phạm; có trách nhiệm bảo vệ danh dự cá nhân và uy tín, danh dự của nhà trường, của ngành giáo dục.
Đôn đốc các đồng chí là cộng tác viên dư luận xã hội của Công đoàn Giáo dục Việt Nam tại các trường học kịp thời phát hiện, phản ảnh các vấn đề nảy sinh để nhận được sự hướng dẫn cụ thể.
Đây là những hành vi dung túng không thể chấp nhận
Liên quan đến việc này, ngày 7/12, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, Tuyên Quang cho biết, UBND huyện đã có quyết định tạm đình chỉ chức vụ và công tác 15 ngày đối với ông Trần Duy Sáng, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú, để phục vụ việc xác minh, làm rõ vụ cô giáo bị học sinh nhốt, xúc phạm, ném dép.
Ngày 30/11, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Công an huyện và các cơ quan chức năng đã làm việc và yêu cầu Trường THCS Văn Phú họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của giáo viên, học sinh, đề xuất biện pháp xử lý.
Trước thông tin gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành giáo dục, ngày 5/12, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Sơn Dương và một số cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân nội dung vụ việc này, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo và giao trách nhiệm cho UBND huyện Sơn Dương phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương).
Cùng với đó, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của pháp luật (trong đó, xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục trong việc để xảy ra sự việc).
Ngoài ra, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, sau vụ việc học sinh ép cô giáo vào tường rồi văng tục tại Tuyên Quang, bộ đã có văn bản yêu cầu tỉnh chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc.
Theo ông Sơn, đây là "việc rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được". UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và nhà trường làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Sự việc xảy ra chúng ta rất bức xúc nhưng phải tìm hiểu nguyên nhân, khách quan, thấu đáo vụ việc, từ đó có biện pháp xử lý nghiêm. Nếu trách nhiệm liên quan giáo viên, nhà trường, hay liên quan học sinh, tập thể, để có các giải pháp xử lý trước mắt, rút kinh nghiệm sâu sắc".
Cũng theo ông Sơn, trước vụ việc này đã có một số vụ việc khác xảy ra "giống nhau về hiện tượng", đều liên quan đến bạo lực học đường. Về biện pháp xử lý, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, biện pháp xử lý kỷ luật học sinh chỉ là với vụ việc cụ thể. Căn cơ lâu dài phải giáo dục các em cũng như xem lại đội ngũ giáo viên.
"Chúng tôi rất tôn trọng các nhà giáo nhưng phải nhìn nhận lại đội ngũ giáo viên, từ quy trình đào tạo bồi dưỡng, đánh giá chuyên môn, phẩm chất, kỹ năng trong quá trình giảng dạy. Giáo viên không chỉ một môn học mà cả giáo viên chủ nhiệm, giáo vụ trong nhà trường; năng lực, kỹ năng từng nhà giáo thế nào cần rà soát, đánh giá" - ông Sơn nói.
Về phía phụ huynh, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị việc giáo dục không chỉ trong nhà trường mà phụ huynh cũng phải có trách nhiệm, đây cũng là trách nhiệm của toàn xã hội. Dù bạo lực xảy ra trong trường học nhưng cũng là hiện tượng toàn xã hội.
Theo Thứ trưởng Sơn, nếu văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, văn hóa trên không gian mạng đều được làm tốt thì sẽ tác động tốt tới học sinh nói chung. Do đó, biện pháp cần toàn diện, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục làm tốt đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy, tư tưởng đạo đức...
Trước đó, những đoạn clip được phát tán trên mạng xã hội cho thấy cô giáo Phan Thị H. (38 tuổi) dạy âm nhạc ở Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương) cầm dép rượt đuổi học sinh trong một lớp học. Trong một clip khác, cô giáo bị một nhóm học sinh ném giấy, dép vào người, xúc phạm và đóng cửa lớp để cô không ra ngoài được. Khi bị ném dép vào đầu, cô giáo đã ngất xỉu. |
Đỗ Nga