Theo tài liệu trình đại hội đồng cổ đông thường niên vừa công bố, Công ty CP Tập đoàn Thiên Long (HOSE: TLG) sẽ trả cổ tức còn lại năm 2023 với 10% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Đồng thời, lên kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP tỷ lệ 1% với điều kiện doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt ít nhất 4.000 tỷ đồng.
Trong quá khứ, giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021, TLG liên tiếp trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông tỷ lệ 20% và tăng đột biến lên 35% vào năm 2022. Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 27/04/2023, Thiên Long sẽ duy trì tỷ lệ cổ tức 35% cho năm 2023.
Trước đó, vào tháng 7/2023, TLG đã chi tạm ứng cổ tức 2023 tỷ lệ 15% bằng tiền, tương ứng chi gần 117 tỷ đồng. Với số cổ tức còn lại, TLG đề xuất chia làm 2 hình thức, bao gồm 10% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
Theo đó, TLG dự kiến phát hành tối đa hơn 7,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2023, theo BCTC hợp nhất 2023 đã được kiểm toán.
Tỷ lệ thực hiện quyền là 10:1, tức 10% (sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới). Thời gian thực hiện sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo nhận đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành, dự kiến trong quý 2-3/2024.
Cũng theo tài liệu đại hội, Tập đoàn Thiên Long đặt mục tiêu doanh thu thuần năm nay đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 9,77% so với kết quả năm trước và giảm 5% so với kế hoạch năm trước. Ban lãnh đạo kỳ vọng lợi nhuận sau thuế tăng 6,69% lên 380 tỷ đồng, nhưng đây chưa phải là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động bởi công ty từng ghi nhận lãi sau thuế 400 tỷ đồng vào năm 2022.
Ngoài ra, để tạo động lực và tăng tính gắn kết của người lao động với Công ty, HĐQT chủ trương xin ý kiến ĐHĐCĐ để phát hành cổ phiếu theo chương trình cho người lao động (ESOP) có điều kiện và chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: Xét trên kết quả kinh doanh năm 2024, doanh thu thuần hợp nhất đạt tối thiểu 4.000 tỷ đồng, TLG sẽ phát hành tối đa 864.538 cổ phiếu ESOP, tương đương 1% số cổ phiếu đang lưu hành (đã bao gồm cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023). Giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cp - thấp hơn 80% so với thị giá TLG kết phiên 03/04 (49.500 đồng/cp).
Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm từ ngày kết thúc đợt phát hành. Đối tượng tham gia gồm Thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc; Kế toán trưởng và các vị trí quản lý của TLG và các công ty con thuộc Tập đoàn.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành dự kiến gần 9 tỷ đồng, sẽ được TLG sử dụng để bổ sung nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh. Thời gian thực hiện sau khi UBCKNN thông báo nhận đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành.
Nếu hoàn tất phương án trên, vốn điều lệ của TLG sẽ được nâng từ 864,5 tỷ đồng lên hơn 873 tỷ đồng.
Giai đoạn 2: Xét trên kết quả kinh doanh giai đoạn 2025-2026, doanh thu thuần hợp nhất lần lượt đạt tối thiểu 5.000 tỷ đồng và tối thiểu 6.000 tỷ đồng, TLG sẽ trình ĐHĐCĐ phương án phát hành thêm tại mỗi mốc doanh thu đạt được, là 1% cổ phiếu ESOP trên số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành đáp ứng quy định pháp luật.
Mặt khác, TLG dự kiến bỏ ngành, nghề kinh doanh là In ấn (chi tiết là In tampon, in lụa, in flexo…).
Tất cả phương án trên sẽ được HĐQT TLG trình ĐHĐCĐ thường niên 2024, dự kiến tổ chức sáng 23/04, tại 76 Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 20/03/2024.
Chưa vào mùa cao điểm vẫn lãi hơn nửa tỷ đồng mỗi ngày
Tập đoàn Thiên Long công bố kết quả kinh doanh tháng 1/2024 với những tăng trưởng tích cực. Cụ thể, doanh thu thuần của “vua bút bi” đạt 241 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu ghi nhận ở mức 108 tỷ đồng, cải thiện 3% so với cùng kỳ, chiếm 45% cơ cấu doanh thu.
Khấu trừ giá vốn, Tập đoàn Thiên Long lãi gộp 101 tỷ đồng, tăng 13%. Biên lãi gộp tương ứng ghi nhận ở mức 42%, cải thiện 1% so với tháng 1/2023.
Trong khi đó, chi phí SG&A (chi phí bán hàng, hành chính và quản lý doanh nghiệp) chỉ tăng 5% so với cùng kỳ, dừng ở mức 80 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn tăng 57%, đạt 18 tỷ đồng - tương đương lãi hơn 580 triệu đồng mỗi ngày.
Báo cáo sơ bộ kết quả kinh doanh tháng 1/2024 của Tập đoàn Thiên Long |
Theo Tập đoàn Thiên Long, diễn biến tích cực trong kết quả kinh doanh của tháng 1 một phần nhờ kỳ nghỉ Tết năm nay rơi vào tháng 2 thay vì tháng 1 như năm ngoái. Bên cạnh đó, nhu cầu dự trữ hàng hóa tại tạp hóa, nhà sách đã tăng nhẹ trở lại. Hoạt động kinh doanh xuất khẩu OEM của Tập đoàn cũng hồi phục nhẹ trong đầu năm 2024.
Tuy nhiên, doanh nghiệp lưu ý, kết quả kinh doanh tháng 1 nói riêng và quý I nói chung chưa thể hiện rõ được xu hướng doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn cho cả năm do đây chưa phải mùa cao điểm kinh doanh và thực hiện các chiến dịch quảng bá thương hiệu. Do đó, nhiều chi phí thương mại và marketing vẫn chưa được thực hiện và ghi nhận.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TLG đang có xu hướng tăng giá nhẹ trong vòng gần 1 tháng trở lại đây, kết phiên 4/4, mã có giá 49.500 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu TLG đang có xu hướng tăng giá nhẹ trong vòng gần 1 tháng trở lại đây |
VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trên 23 nghìn tỷ đồng, chi cổ tức tiền mặt 10% năm 2024 Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank - HOSE: VPB) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 ... |
ĐHĐCĐ VIB ngày 2/4: Kế hoạch lợi nhuận hơn 12.000 tỷ đồng, chia cổ tức tiền mặt và thưởng CP tổng tỷ lệ 29,5% Sáng nay (2/4), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại TP. ... |
Bột giặt NET (NET) đặt mục tiêu kinh doanh kỷ lục, cổ phiếu "công phá" vùng đỉnh Trên thị trường, giá cổ phiếu NET hiện đang ở vùng đỉnh lịch sử 90.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 35% so với đầu năm; thanh ... |
Nguyên Nam