Nếu loại trừ đóng góp của Vinhomes ra khỏi kết quả chung, lợi nhuận sau thuế của nhóm bất động sản sụt giảm 50% trong quý I/2023. |
Vừa qua, WiGroup đã công bố Báo cáo cập nhật về kết quả kinh doanh toàn thị trường quý I/2023, dựa trên kết quả tổng hợp và xử lý số liệu thống kê của 938 trong tổng số 1.630 công ty trên sàn chứng khoán (chiếm hơn 90% vốn hóa thị trường).
Bất động sản trở thành điểm sáng trong bức tranh thị trường chung (Nguồn: WiGroup) |
Tóm tắt tình hình thị trường bằng một từ “Chạng vạng”, báo cáo của nhóm phân tích Wigroup nhìn nhận, sau kết quả lợi nhuận kém tích cực trong quý IV/2022 với mức giảm 30% so với cùng kỳ, năm 2023 có khởi đầu không mấy khả quan.
Lợi nhuận sau thuế toàn thị trường quý I/2023 tiếp tục gây thất vọng, giảm sâu 20% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tính đến sự đóng góp của nhóm tài chính, con số này thậm chí còn lên tới mức 50%.
Nhóm nghiên cứu đánh giá, sự sụt giảm lợi nhuận sau thuế toàn thị trường đến chủ yếu từ nhóm phi tài chính khi nhóm này đã có 2 quý liên tiếp ghi nhận mức giảm trên 50% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận toàn thị trường tiếp tục giảm tròng quý I/2023 (Nguồn: WiGroup) |
Các chuyên gia cho biết, diễn biến này không quá khó dự đoán khi chỉ số PMI các tháng đầu năm thể hiện rõ sự đình trệ của lĩnh vực sản xuất và sự khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới.
Xét theo từng ngành, bất động sản mang tới kết quả vượt xa kỳ vọng và tình hình khó khăn chung của thị trường. Trong khi đó, hai ngành có kết quả gây thất vọng nhất phải kể đến ngành hóa chất do giá phốt pho và phân bón giảm sâu và nhóm môi giới chứng khoán do thanh khoản thị trường yếu kém.
Ngược dòng thị trường, nhóm phát triển bất động sản ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng khi lợi nhuận sau thuế của ngành tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngành bất động sản dân cư toả sáng với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 72,7%.
Mặc dù những con số trên là tương đối khả quan nhưng nhóm nghiên cứu nhận định, bất động sản vẫn không thể nằm ngoài những khó khăn chung của thị trường. Phân tích cho thấy, động lực tăng trưởng của toàn ngành chỉ đến từ mỗi Vinhomes (HOSE: VHM) - chiếm tới gần 90% lợi nhuận chung.
Doanh nghiệp này ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, lên 11.923 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp còn lại chỉ đạt 718 tỷ, giảm 72,3% so với cùng kỳ.
Vinhomes chiếm gần 80% lợi nhuận toàn ngành (Nguồn: WiGroup) |
Các chuyên gia đánh giá, sự tăng trưởng của Vinhomes đã kéo lại đà giảm cho các công ty trên sàn và đưa kết quả toàn ngành đi lên.
Nếu loại trừ đóng góp của Vinhomes ra khỏi kết quả chung, lợi nhuận sau thuế của nhóm bất động sản sụt giảm 50% trong quý I/2023.
Theo nhận định từ phía chuyên gia, năm 2023, ngành bất động sản sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn khi bối cảnh thị trường huy động vốn từ kênh trái phiếu không thuận lợi và lãi suất cho vay vẫn tăng cao.
Xét riêng nhóm VN30, uớc tính, tổng lợi nhuận sau thuế quý I/2023 đạt khoảng 63.857 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ. Như vậy, đây tiếp tục là quý VN30 ghi nhận kết quả lạc quan hơn so với thị trường chung. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, mức sụt giảm lợi nhuận sau thuế của VN30 lại tăng lên đáng kể so với quý trước trong khi sụt giảm này của thị trường chung đã có dấu hiệu cải thiện.
Vincom Retail (HOSE: VRE) được đánh giá là động lực tăng trưởng của nhóm VN30 trong quý đầu năm khi mức tăng lợi nhuận sau thuế đạt 171% so với cùng kỳ. Nhờ hoạt động cho thuê bất động sản phục hồi tốt sau đại dịch, doanh thu của VRE cũng tăng trưởng mạnh khoảng 42%, đi đôi với đà tăng của lợi nhuận.
Xét về cơ cấu, ngành ngân hàng tiếp tục gia tăng tỷ trọng đóng góp lợi nhuận trong danh mục VN30. Nguyên nhân chính là do sự suy giảm lợi nhuận của nhóm ngành sản xuất và chế biến thép.
Cơ cấu lợi nhuận sau thuế nhóm VN30 (Nguồn: WiGroup) |
Các chuyên gia phân tích, khả năng thanh toán lãi vay của các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên sàn đã có sự cải thiện trong quý vừa qua. Tuy nhiên, mức này vẫn còn khá thấp nếu so với mặt bằng chung các năm gần đây.
Giai đoạn cuối năm 2022 đánh dấu thời điểm thanh khoản của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp niêm yết nói riêng xuống mức thấp kỷ lục, với khả năng đảm bảo lãi vay (EBITDA/lãi vay) toàn thị trường chỉ đạt 4,8 lần.
Trong quý I/2023, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giảm lãi suất điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng. Do đó, các nhà phân tích kỳ vọng thanh khoản của nền kinh tế sẽ ổn định hơn trong giai đoạn tới.
Theo nhóm nghiên cứu, định giá P/E của VN-Index đã cho thấy sự phục hồi trong quý 1/2023 sau khi thiết lập mức đáy lịch sử vào quý 4 năm trước.
Chỉ số P/E hiện tại của thị trường đang quanh mức 12,5 lần (thời điểm 11/5/2023) khá gần với mức trung bình P/E giai đoạn thắt chặt tiền tệ 1 năm vừa qua là 13,2 lần. Về mức định giá thị trường hiện tại, các chuyên gia đánh giá là chưa quá hấp dẫn trong bối cảnh nền kinh tế chung vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hải Phòng: Vinhomes thêm 'vững chân' ở dự án khu đô thị hơn 23.000 tỷ đồng Sau hai lần mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu đô thị mới hơn 23.000 tỷ đồng ở khu vực quận Dương ... |
Dự án nào đang là tâm điểm của thị trường BĐS TP. HCM? Thị trường bất động sản đang có nhiều tín hiệu khởi sắc khi lượng giao dịch căn hộ tăng mạnh trong quý vừa qua. Tuy ... |
ĐHCĐ Vingroup: Đặt mục tiêu doanh thu 190.000 tỷ đồng, 'thúc' tiến độ nhà máy VinFast ở Mỹ Năm 2023, Vingroup đặt kế hoạch doanh thu 190.000 tỷ đồng, tăng gần 90% so với kết quả thực hiện năm ngoái. Mục tiêu lớn ... |
Thái Hà