Theo dữ liệu từ Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 3/2024, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 20.039 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên. Trong danh sách này, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) tiếp tục nằm trong số các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, với việc chậm đóng trong 10 tháng, tương đương với hơn 38 tỷ đồng. So với số liệu tính đến hết tháng 1/2024, số nợ của Xây dựng Hòa Bình đã giảm khoảng 400 triệu đồng.
Xây dựng Hòa Bình đang nợ hơn 38 tỷ đồng BHXH. |
Trước đó, theo danh sách đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên (số liệu tính đến hết ngày 31/12/2023), Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) dẫn đầu trong tổng số 15.289 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm trên địa bàn TP.HCM với 9 tháng nợ bảo hiểm, tương ứng số tiền nợ là 39,34 tỷ đồng.
Xây dựng Hòa Bình không chỉ tỏ ra "khó khăn" trong việc nợ bảo hiểm của người lao động mà còn liên tiếp thua lỗ trong năm thứ hai. Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lỗ ròng 1.111 tỷ đồng, tăng thêm 333 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Nguyên nhân chính là doanh thu thuần và giá vốn có sự điều chỉnh ngược chiều, dẫn đến lãi gộp giảm 13% so với báo cáo tự lập. Chi phí quản lý cũng tăng mạnh lên 57%, đạt 758 tỷ đồng, trong đó phần lớn là chi phí dự phòng. Đến cuối năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đã tích lũy số lỗ lên đến 3.240 tỷ đồng. Điều này làm vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 93,4 tỷ đồng, giảm đến 92% so với năm 2022.
Đơn vị kiểm toán cũng đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2023 của Xây dựng Hòa Bình liên quan đến việc thu hồi tạm ứng, thu hồi nợ; đồng thời nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế hơn 3.240 tỷ đồng và một số khoản nợ quá hạn thanh toán, dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
“Sự chênh lệch rất lớn giữa vốn chủ sở hữu của Hòa Bình so với báo cáo tài chính kiểm toán là do đơn vị kiểm toán áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam theo quan điểm rất thận trọng. Từ đó, vốn chủ sở hữu trong báo cáo quản trị do Công ty tự lập cao hơn 60 lần so với vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính kiểm toán. Báo cáo quản trị của Hoà Bình là báo cáo do Khối Tài chính kế toán của Tập đoàn lập dựa vào đặc thù của hoạt động xây dựng và những thông tin số liệu sát với thực tế của thị trường và của Tập đoàn. Trong báo cáo quản trị này này, chúng tôi chỉ xác định những số liệu liên quan đến vốn chủ sở hữu của Tập đoàn chưa phù hợp với thực tế khi áp dụng chế độ kế toán của Việt Nam chứ không thay đổi bất cứ một số liệu nào khác”, thông cáo báo chí của Hoà Bình nêu.
Về nguyên nhân cụ thể, Xây dựng Hoà Bình cho hay, một là, theo báo cáo quản trị, giá các bất động sản được định theo giá thị trường trong khi trong báo cáo tài chính kiểm toán được ghi nhận theo giá gốc (tức theo giá mua ban đầu). Thực tế, thị trường địa ốc ở Việt Nam có sự biến động gia tăng giá liên tục trong nhiều năm. Cách ghi nhận này đã gây ra sự chênh lệch rất lớn giữa 2 báo cáo, chẳng hạn như trụ sở 235 Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh, theo ghi nhận trên sổ sách chỉ có 5 tỷ đồng nhưng giao dịch hiện nay trên thị trường không dưới 75 tỷ đồng, chênh lệch lên đến 15 lần. Ngoài bất động sản, định giá những tài sản cố định của Hòa Bình trong báo cáo tài chính kiểm toán cũng thấp hơn rất nhiều so với thực tế, nhiều tài sản cố định thậm chí không được đưa vào định giá vốn chủ sở hữu, từ đó khiến cho vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính kiểm toán thấp hơn nhiều so với thực tế. Theo báo cáo quản trị, giá trị bất động sản theo thị trường hiện nay là 4.789 tỷ đồng, trong khi báo cáo tài chính kiểm toán chỉ ghi nhận theo giá gốc là 2.470 tỷ đồng, tương ứng chênh lệch 2.319 tỷ đồng.
Hai là, giá trị còn lại của máy móc thiết bị được ghi nhận trong báo cáo tài chính kiểm toán không phù hợp với thực tế bởi 2 lý do chính: Giá trị khấu hao theo chế độ kiểm toán hiện hành chưa phản ánh đúng với khấu hao trong thực tế và sự trượt giá trên thị trường cũng tác động đáng kể đến giá trị còn lại của máy móc thiết bị. Theo Xây dựng Hoà Bình, nhiều máy móc thiết bị của doanh nghiệp đã khấu hao hết và ghi nhận trong sổ sách bằng 0 nhưng thực tế vẫn còn hoạt động rất tốt. Mặt khác, giá mua mới hiện nay trên thị trường cao hơn nhiều so với nguyên giá (giá mua trước đây) cho nên sự chênh lệch về giá trị còn lại của máy móc thiết bị là rất lớn giữa 2 báo cáo. Theo đó, sự chênh lệch này lên đến 1.024 tỷ đồng.
Ba là, các khoản phải trích lập dự phòng theo chế độ kế toán hiện hành được xác định theo tuổi nợ, trong khi theo báo cáo quản trị, Xây dựng Hoà Bình đánh giá căn cứ vào nguyên nhân chậm thanh toán, sự đảm bảo về chất lượng công trình, mức độ hoàn thiện của hồ sơ thanh quyết toán, năng lực tài chính và những rủi ro về hoạt động kinh doanh của khách hàng cùng những đặc thù về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc và mức độ ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của doanh nghiệp. Ông lớn ngành xây dựng cũng khẳng định, theo lịch sử, chưa bao giờ Hòa Bình xóa sổ bất kỳ khoản phải thu nào. Phần hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi cụ thể là 1.450 tỷ đồng.
Bốn là, tăng các khoản phải thu theo phán quyết của tòa sẽ làm tăng vốn chủ sở hữu. Xây dựng Hoà Bình cho biết, những đánh giá của doanh nghiệp còn dựa vào lịch sử kinh nghiệm giải quyết các vụ kiện về thu hồi nợ mà trường hợp điển hình là món nợ trên 5 năm (theo quy định đã lập dự phòng 100%) của FLC, doanh nghiệp không những thu hồi được 100% nợ gốc mà còn thu cả lãi và phạt có giá trị lên đến trên 58% nợ gốc. Phần chênh lệch khoản phải thu giữa giá trị ghi nhận trên sổ sách và giá trị phán quyết của tòa là 652 tỷ.
Đầu tháng 4 vừa qua, Xây dựng Hòa Bình đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với nhiều điểm nổi bật. HBC đã đề ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2024 với tổng doanh thu dự kiến đạt 10.800 tỷ đồng, tăng 43% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 433 tỷ đồng, một tăng trưởng đáng kể so với khoản lỗ 1.115 tỷ đồng năm 2023. Về phân phối lợi nhuận, Xây dựng Hòa Bình đề xuất không chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2023.
Đáng chú ý, HBC dự kiến trình cổ đông phương án dừng việc tăng vốn thông qua ngày 18/10/2023 và đồng thời đề xuất phương án tăng vốn mới. Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến phát hành tối đa 274 triệu cổ phiếu (bao gồm 74 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ và 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ), dự kiến triển khai từ năm 2024 đến năm 2025.
Với phương án hoán đổi nợ, công ty sẽ phát hành tối đa 74 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị hoán đổi là 740 tỷ đồng để hoán đổi nợ với các chủ nợ như nhà cung cấp, nhà thầu phụ và nhà sản xuất. Cổ phiếu được phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
3 cổ phiếu xây dựng còn nguyên tiềm năng bứt phá dưới góc nhìn của SSI SSI nhận định trung lập với ngành xây dựng năm 2024, tuy nhiên vẫn đưa 3 cổ phiếu vào danh sách theo dõi với triển ... |
Vốn chủ sở hữu trong báo cáo quản trị cao hơn 60 lần so với BCTC kiểm toán, Xây dựng Hoà Bình (HBC) nói gì? Theo Xây dựng Hoà Bình, sự chênh lệch rất lớn giữa vốn chủ sở hữu ghi nhận trong báo cáo quản trị của Tập đoàn ... |
Hà Lê