Xe máy tăng sản lượng trước Tết: Sức mua vẫn yếu

04/02/2024 - 23:21
(Bankviet.com) Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng xe máy lắp ráp trong nước ước đạt 264.000 chiếc, cao hơn sản lượng của tháng trước.
Doanh số bán xe máy của Việt Nam năm 2023 giảm trên 16% so với 2022 Giá xe máy SH Mode mới nhất ngày 24/1/2024: Giá SH Mode 2024 bản Thể thao từ 64 triệu đồng

Thị trường kém sôi động

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 1/2024, lượng xe máy sản xuất ước đạt 264.000 chiếc, tăng trưởng so với tháng trước. Đáng chú ý, sản lượng ước tính tăng đúng thời điểm thị trường mua xe máy đi Tết đang rất sôi động. Dù tháng liền trước đó, sản lượng thực tế thấp hơn nhiều so với ước tính. Cụ thể, tháng 12/2023, Tổng cục Thống kê ước tính sản lượng xe máy đạt 262.000 chiếc nhưng số thực hiện được chỉ là 244.800 xe, thấp hơn khoảng 7%.

Dự báo năm 2024, doanh số bán xe máy có thể bằng hoặc tiếp tục giảm so với năm 2023. (ảnh Diễn đàn doanh nghiêoj)
Dự báo năm 2024, doanh số bán xe máy có thể bằng hoặc tiếp tục giảm so với năm 2023. (Ảnh Diễn đàn doanh nghiệp)

Thông thường, vào thời điểm cuối năm sức tiêu thụ xe máy sẽ tăng cao khiến mặt hàng này tăng giá. Tuy nhiên, năm nay, dù Tết Giáp Thìn đã đến cận kề nhưng thị trường xe máy vẫn bình lặng, không được như kỳ vọng. Điển hình như nhiều mẫu xe Honda bán tốt như Vision hay Winner X, Yamaha Grande, Janus… đều có giá thực tế thấp hơn so với tháng 12/2023.

Nguyên nhân được nhiều đại lý xe máy trong cả nước cho biết xuất phát từ việc cung đang cao hơn cầu, tình hình kinh tế khó khăn nên dù giảm giá bán song thị trường xe máy cận Tết 2024 không sôi động như những năm trước. Tuy nhiên vẫn sôi động hơn tháng 12/2023.

Số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cũng cho thấy, năm 2023 đánh dấu một sự suy giảm đáng kể với tổng doanh số bán hàng của 5 đơn vị thành viên (gồm Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha Motor Việt Nam) đạt 2.516.212 xe, giảm 16,21% so với năm trước.

Trong tổng doanh số này, riêng Honda Việt Nam tiêu thụ đến 2.088.557 xe, giảm 13,3% so với năm 2022. Tuy nhiên, Honda Việt Nam vẫn chiếm đến 83% thị phần xe máy (tính trong VAMM) và tăng 2,8% thị phần so với năm 2022.

Khảo sát một đại lý Honda trên địa bàn Hà Nội cho thấy, mẫu xe tay ga Vision bán chạy nhất của Honda Việt Nam đã giảm giá đáng kể ở tất cả các phiên bản. Cụ thể, Honda Vision bản tiêu chuẩn đang chào bán ở mức gần 31 triệu đồng, Honda Vision cao cấp 33 triệu đồng, Honda Vision đặc biệt 35 triệu đồng, Honda Vision bản thể thao 37 triệu đồng. So với tháng trước, giá xe Vision tại các đại lý đã giảm từ 2,5-3,5 triệu đồng.

Đơn cử với Yamaha, hãng xe Nhật Bản tung chương trình ưu đãi với tổng giá trị giải thưởng gần 5 tỷ đồng, áp dụng từ 1/1 đến 29/2, nhằm kích cầu tiêu dùng. Cụ thể, khi mua các dòng xe tay ga như Grande, Janus, Latte, FreeGo và NVX, người dùng sẽ nhận ngay lì xì 2 triệu đồng.

Thay đổi để tăng sức cạnh tranh

Dự báo cho năm 2024, các chuyên gia trong ngành cho rằng, với khó khăn chung của nền kinh tế, người tiêu dùng có thể trì hoãn quyết định mua xe mới do thận trọng trong chi tiêu hơn, dự kiến doanh số bán xe máy trong năm 2024 có thể bằng hoặc tiếp tục giảm so với năm 2023. Do đó, các hãng xe sẽ phải tiếp tục điều chỉnh giá và liên tục cải tiến, tung ra các mẫu xe mới để thu hút người mua.

Sự cạnh tranh này sẽ làm cho các doanh nghiệp phải tìm cách giảm giá và tạo ra các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng. Các hãng xe có thể tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ, giảm giá và ưu đãi trả góp để kích thích nhu cầu mua sắm. Cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ sẽ là yếu tố quyết định để giữ chân khách hàng trong bối cảnh sức mua của thị trường đang giảm sút.

Một số chuyên gia nhận định, tổng doanh số xe máy tại Việt Nam sẽ khó đạt mốc 3 triệu xe kể từ năm 2024. Tuy nhiên, đối với các hãng xe đang chiếm thị phần lớn như Honda, Yamaha, SYM thì điều này chỉ khiến doanh thu bị sụt giảm chứ chưa phải vấn đề sống còn.

Điều mà các hãng xe hiện nay có thể làm, đó là điều chỉnh sản lượng phù hợp, tối ưu hóa chi phí sản xuất, phân phối sản phẩm, ưu tiên nguồn cung linh kiện, phụ tùng từ các nhà cung cấp trong khối ASEAN và các doanh nghiệp nội địa. Bên cạnh đó, cần thực hiện chuyển đổi dần sang phương tiện di chuyển xanh, ví dụ xe máy điện.

Bên cạnh đó, các chính sách hạn chế xe máy tại khu vực đô thị sẽ dần được hiện thực hóa, bao gồm: Chính sách thu phí khí thải, chính sách thu phí xe cơ giới vào nội đô, chính sách ưu tiên dành cho ô tô điện, xe máy điện hoạt động tại đô thị... Các chính sách kể trên đã bắt đầu “manh nha” bằng những đề xuất do Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành khởi xướng trong những năm qua. Khi các chính sách chính thức được thông qua sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường xe máy trong nước.

Theo đó, xe máy chạy xăng truyền thống sẽ dần rút khỏi khu vực đô thị, tập trung tại các vùng núi, nông thôn và hải đảo. Kỳ hạn cuối được đặt ra vào năm 2050 khi 100% xe sản xuất mới (bao gồm cả ô tô và xe máy) phải là xe điện hóa hoặc xe sử dụng năng lượng xanh, không phát thải, theo cam kết của Chính phủ tại COP26.

Duy Anh

Theo: Báo Công Thương