Xôn xao gói thầu trượt của Tập đoàn Sơn Hải: Chính quyền địa phương nói gì?
Sau thông tin gây xôn xao dư luận từ Tập đoàn Sơn Hải về kết quả lựa chọn trong một gói thầu lớn, chính quyền địa phương cũng đã chính thức lên tiếng.
Ngày 26/5, UBND tỉnh Bình Phước cho biết đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm việc trực tiếp với lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hải liên quan đến phản ánh xung quanh kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây dựng cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (đoạn qua địa bàn Bình Phước).

Theo chỉ đạo, Ban Quản lý dự án phải báo cáo cụ thể sự việc để cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định pháp luật. Đại diện Ban Quản lý dự án – ông Đinh Tiến Hải, Giám đốc Ban – xác nhận đơn vị chưa nhận được kiến nghị chính thức nào từ Tập đoàn Sơn Hải dưới hình thức văn bản hành chính hay qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. “Chúng tôi chỉ mới nắm thông tin qua mạng xã hội và đang làm báo cáo gửi UBND tỉnh theo quy định”, ông Hải cho biết.
Trước đó, dư luận xuất hiện thông tin về việc Tập đoàn Sơn Hải đăng tải một văn bản được cho là gửi đến Ban Quản lý dự án, trong đó phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu nêu trên. Thông tin này nhanh chóng thu hút sự quan tâm do liên quan đến giá trị đầu tư lớn và tính chất quan trọng của tuyến cao tốc.
Theo nội dung văn bản được lan truyền trên mạng xã hội, gói thầu có 5 nhà đầu tư tham gia, gồm: Tập đoàn Sơn Hải với giá dự thầu hơn 732,3 tỷ đồng; Tập đoàn Cienco4 (UPCoM: C4G) với hơn 800,7 tỷ đồng; liên danh cao tốc IB2500057961 dự thầu hơn 804 tỷ đồng; liên danh cao tốc tỉnh Bình Phước hơn 836 tỷ đồng và liên danh cao tốc HCM – TDM – CT hơn 866 tỷ đồng.
Tập đoàn Sơn Hải bày tỏ bất ngờ khi nhà thầu được lựa chọn trúng thầu lại là liên danh có giá dự thầu cao nhất. Trong khi đó, các nhà thầu lớn như Sơn Hải, Cienco4, Vinaconex (VCG) hay Xây dựng Đèo Cả đều bị loại vì lý do không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Phía Sơn Hải cho rằng kết quả lựa chọn nhà thầu "có dấu hiệu làm trái quy định pháp luật về đấu thầu", dẫn đến nguy cơ thất thoát hơn 113 tỷ đồng ngân sách Nhà nước. Văn bản cũng nêu rõ việc bị loại khiến doanh nghiệp thiệt hại về kinh tế và uy tín, đồng thời khẳng định đã gửi kiến nghị đến UBND tỉnh Bình Phước và các cơ quan chức năng để yêu cầu xem xét lại quá trình chấm thầu.
Hiện tại, chưa có phản hồi chính thức từ chủ đầu tư về nội dung kiến nghị này.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành là tuyến giao thông trục dọc quan trọng nối TP.HCM – Bình Dương – Bình Phước, đồng thời liên kết các tuyến vành đai 2, 3, 4 tại khu vực TP.HCM. Tuyến cũng kết nối với cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), đóng vai trò chiến lược trong hệ thống giao thông vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Riêng đoạn tuyến đi qua địa bàn Bình Phước dài khoảng 6,6 km, tổng mức đầu tư dự kiến 1.474 tỷ đồng. Dự án đã được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt từ tháng 12/2024, hiện đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu thi công.