Coteccons (CTD) bị phong tỏa gần 170 tỷ đồng sau phán quyết vụ kiện với Ricons
Coteccons bị cưỡng chế phong tỏa tài khoản gần 170 tỷ đồng để thi hành phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp hợp đồng xây dựng với Ricons.
Coteccons bị phong tỏa gần 170 tỷ đồng để thi hành phán quyết trọng tài
Công ty CP Xây dựng Coteccons(HOSE: CTD) vừa bị Cục Thi hành án dân sự TP.HCM phong tỏa tài khoản ngân hàng với số tiền gần 170 tỷ đồng, liên quan đến vụ tranh chấp hợp đồng với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons. Đây là động thái thực thi phán quyết trọng tài quốc tế đã có hiệu lực thi hành, sau khi yêu cầu hủy bỏ phán quyết của Coteccons không được tòa án chấp thuận.

Theo Quyết định số 319/QĐ-CTHADS ngày 27/5/2025 của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, Coteccons bị phong tỏa số tiền 169.930.590.168 đồng tại tài khoản số 10220059508022 mở tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam – Chi nhánh Sài Gòn. Địa chỉ tài khoản được ghi nhận là số 236/6 Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM – trụ sở chính của Coteccons. Quyết định nêu rõ ngân hàng, người phải thi hành án và các bên liên quan có trách nhiệm thực hiện đúng theo quy định.
Lệnh phong tỏa được ban hành dựa trên Phán quyết số 279/23 HCM ngày 24/10/2024 của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Trước đó, Coteccons đã nộp đơn lên Tòa án Nhân dân TP.HCM đề nghị hủy bỏ phán quyết trọng tài, tuy nhiên không được chấp thuận. Theo Quyết định số 84/2025/QĐ-PQTT ngày 8/5/2025, tòa bác toàn bộ yêu cầu của Coteccons và khẳng định phán quyết trọng tài có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, khiếu nại và cũng không thuộc diện bị kháng nghị bởi Viện kiểm sát.
Căn cứ nội dung phán quyết, Coteccons phải thanh toán cho Ricons tổng số tiền gần 170 tỷ đồng, bao gồm nợ gốc, lãi chậm trả từ ngày 1/1/2021 đến 24/9/2024, chi phí thuê luật sư, lệ phí trọng tài và các chi phí đi lại, lưu trú của trọng tài viên. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải tiếp tục thanh toán phần lãi phát sinh sau ngày 24/11/2024 cho tới khi hoàn tất nghĩa vụ tài chính, theo mức lãi suất được quy định trong phán quyết.
Tranh chấp bắt nguồn từ mối liên kết trong hệ sinh thái cũ
Vụ việc giữa Coteccons và Ricons bắt nguồn từ các hợp đồng thi công xây dựng tại nhiều dự án như Regina (Hải Phòng, Hưng Yên), nhà máy VinFast, Simco và dự án Newtaco. Trong giai đoạn trước năm 2019, cả hai doanh nghiệp từng cùng nằm trong hệ sinh thái có sự liên kết giữa bảy công ty: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C và Boho Décor. Giai đoạn này do ông Nguyễn Bá Dương điều hành chung. Trong cơ chế phối hợp công việc, Coteccons đảm nhận vai trò tổng thầu và giao Ricons làm thầu phụ ở một số dự án. Các khoản công nợ chưa được quyết toán từ giai đoạn đó là nguồn gốc tranh chấp giữa hai bên.
Coteccons cho rằng mình chưa nhận được khoản thanh toán từ phía chủ đầu tư nên không thể chi trả cho Ricons, dẫn chiếu theo điều khoản hợp đồng đã ký giữa hai bên. Tuy nhiên, phía Ricons không đồng thuận với lập luận này. Sau nhiều lần gửi văn bản yêu cầu thanh toán không thành, Ricons đã khởi kiện ra trọng tài và giành phần thắng.
Ngoài vụ kiện trọng tài, Ricons cũng từng gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Coteccons vào tháng 7/2023, với lý do Coteccons mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Tuy nhiên, tòa án sau đó bác bỏ đề nghị này. Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, Ricons vẫn ghi nhận khoản phải thu từ Coteccons trị giá gần 323 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng hơn 227 tỷ đồng cho các khoản nợ ngắn hạn khó đòi liên quan đến đối tác này.