Philippines vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt trong năm 2023 Tháng 1/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản thu về 5,14 tỷ USD Bài 1: Chuỗi giá trị nông sản được nối dài |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu gạo sang khối thị trường EU đạt gần 104.000 tấn gạo (cao hơn con số hạn ngạch là 80.000 tấn/năm) với giá trị thu về 71,7 triệu USD, tăng 10% cả về lượng và kim ngạch so với năm 2022. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu gạo sang EU vượt hạn ngạch 80.000 tấn/năm của Hiệp định EVFTA.
Xuất khẩu gạo sang thị trường EU đạt gần 104.000 tấn |
Việt Nam đã được xuất khẩu gạo tới 26/27 quốc gia thành viên trong khối Liên minh châu Âu. Đứng đầu là Đức với khối lượng đạt 23.328 tấn, tăng 49,3% so với năm trước và chiếm 22,4% thị phần; tiếp theo là Ba Lan với 14.726 tấn, tăng tới 92% và chiếm 14,2% thị phần.
Đặc biệt, lượng gạo xuất khẩu sang nhiều thị trường tăng từ 3 - 4 con số như: Hungary tăng 12 lần, Bulgaria tăng 730%, Hy Lạp tăng 483,3%, Bồ Đào Nha tăng 425%... Trong số các thị trường chính chỉ có Italy ghi nhận sự sụt giảm 78,5% xuống còn 6.876 tấn.
Như vậy, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU đã có bước tăng trưởng khá ấn tượng.
Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp đang tận dụng khá tốt các cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Đồng thời, chất lượng gạo của Việt Nam cũng ngày càng cải thiện và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính.
Khẳng định chất lượng gạo của Việt Nam đều đáp ứng hoàn toàn yêu cầu từ thị trường khó tính này, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - cho biết, thị trường EU là một trong những thị trường đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn rất cao. Nhưng, trong nhiều năm trở lại đây, không có bất kỳ lô hàng gạo nào của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bị cảnh báo.
Đáng chú ý, mới đây, gạo ST24 và ST25 – giống gạo 2 lần đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới đã chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường EU. Đây được xem là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường đầy tiềm năng này.
Hiện, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU với thị phần chiếm 2,8% tổng nhập khẩu mặt hàng này của khu vực.
Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.
Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU mỗi năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.
“Cho đến nay, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) thực sự là một câu chuyện thành công", Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange chia sẻ tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 18/1/2024.
Ông Bernd Lange cho biết, sau 3 năm thực hiện Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại giữa EU và Việt Nam đã tăng trưởng 20%. Các dòng thuế cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã được dỡ bỏ 71%, trong khi ở chiều ngược lại, 65% dòng thuế cho hàng hóa xuất khẩu từ EU sang Việt Nam đã được dỡ bỏ. Một điểm đáng ghi nhận là trong quá trình thực thi Hiệp định, hai bên đã cùng nhau thực hiện các cam kết, nghĩa vụ.
Ông Bernd Lange nhận định các Hiệp định giữa EU và Việt Nam, trong đó có EVFTA, chính là "những hòn đá tảng, cột mốc quan trọng cho quan hệ giữa hai bên". Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, sự đối đầu, chủ nghĩa bảo hộ còn hiện hữu, đây là nền tảng rất tốt để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên.
Theo Thương vụ Việt nam Bỉ và EU, Hiệp định EVFTA bước vào năm thực hiện thứ 4, biểu B3 đã về 0%, biểu B5 đã thực hiện được một nửa, cơ hội thị trường của hàng Việt Nam là rất lớn. Rất nhiều nước khác đang ao ước có một hiệp định như EVFTA để tiếp cận thị trường EU. Do vậy, EVFTA sẽ tiếp tục là một trong những chìa khóa cho xuất khẩu Việt Nam vào EU.
Tuy nhiên, EU cũng đang tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, giám sát thương mại nhất là các vụ việc lẩn tránh thuế từ các nước thứ 3. Đồng thời, trong tháng 1, EU cũng đã ban hành rất nhiều ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hầu hết ở mức 0,01mg/1kg, phê chuẩn chương trình kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc động vật (Việt Nam là thủy sản, mật ong – đang xem xét trứng và sữa), và các biện pháp khẩn cấp và tạm thời kiểm soát an toàn thực phẩm tại cửa khẩu. Đây là những thách thức cho nông sản Việt Nam nói chung.
Nguyễn Hạnh