Theo phương án được đại hội cổ đông thường niên thông qua đầu tháng 4, ACB dự định phát hành thêm hơn 540 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 25%) để trả cổ tức năm 2020.
Như vậy, nếu phát hành thành công, ACB sẽ nâng tổng mức vốn điều lệ lên 27.019 tỷ đồng.
Tại đại hội, Hội đồng quản trị ACB cho biết việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn đối với ngân hàng, tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ, thêm nguồn vốn để cải tạo, đều tư các dự án chiến lược trong những năm tới.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, trong quý I/2021, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 3.104 tỷ đồng, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ động lực từ mảng tín dụng và dịch vụ.
Tính tới 31/3/2021, tổng tài sản của ACB tăng 1,1% lên 449.515 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1% lên 324.311 tỷ đồng. Quy mô huy động tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 0,3% xuống 352.218 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dư nợ xấu của ngân hàng lại tăng tới hơn 60% lên 2.954 tỷ đồng. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu kéo từ mức 0,59% lên 0,91%.
Trong một báo cáo cập nhật về ACB mới đây, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết trong quý I, ngân hàng đã chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai.
Theo đó, ACB dự báo có thể cần hơn hai năm để xử lý tài sản thế chấp liên quan, do đó ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ đối với khoản cho vay này (giả định tài sản đảm bảo bằng 0).
Cập nhật lãi suất tiết kiệm ACB tháng 5/2021
Lãi suất Tiền gửi có kỳ hạn, Tiết kiệm có kỳ hạn Truyền thống ACB trong tháng 5 không có sự thay đổi so với ghi nhận hồi đầu tháng trước. Biểu lãi suất tiền gửi dưới hình thức lĩnh lãi cuối kỳ giao động trong khoảng từ 3%/năm đến 7,4%/năm cho các kỳ hạn 1 - 36 tháng.
Theo đó, với mỗi khoản tiền gửi tại khung khác nhau, khách hàng sẽ được áp dụng các mức lãi suất khác nhau. Cụ thể, ACB chia thành 5 khung tiền gửi như sau: nhỏ hơn 200 triệu đồng; từ 200 triệu đồng - dưới 500 triệu đồng; 500 triệu đồng - dưới 1 tỷ đồng; 5 tỷ đồng - dưới 1 tỷ đồng và từ 10 tỷ đồng trở lên.
Trong đó, lãi suất ngân hàng tại kỳ hạn 1 tháng được áp dụng trong khoảng từ 3%/năm đến 3,2%/năm. Trong khi đó tiền gửi tại kỳ hạn 2 tháng được huy động với lãi suất 3,1%/năm đến 3,3%/năm. Các khoản tiết kiệm ở kỳ hạn 3 tháng đang được ngân hàng huy động với lãi suất trong khoảng từ 3,2%/năm đến 3,4%/năm.
Tiếp đó, kỳ hạn gửi 6 tháng đang được triển khai với lãi suất từ 4,4%/năm đến 4,6%/năm. Ngân hàng tiếp tục huy động lãi suất từ 4,8%/năm đến 5%/năm cho các khoản tiền gửi tại kỳ hạn 9 tháng. Lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 12 tháng tiếp tục được duy trì từ 5,5%/năm đến 5,7%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất ACB áp dụng tại kỳ hạn 13 tháng cho các khoản tiết kiệm thông thường được áp dụng chung ở mức 6,6%/năm. Tuy nhiên, khi khách hàng có khoản tiền tiết kiệm từ 30 tỷ đồng trở lên sẽ được ngân hàng ưu đãi với lãi suất là 7,4%/năm. Hiện đây cũng là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất đang được huy động tại ACB ở thời điểm hiện tại.
Với các kỳ hạn gửi kéo dài từ 15 tháng đến 36 tháng, ACB triển khai cùng mức lãi suất là 6,2%/năm không phân biệt số tiền gửi.
Các kỳ hạn gửi ngắn ngày từ 1 tuần đến 3 tuần được niêm yết cùng mức 0,2%/năm áp dụng với cả 5 khung tiền gửi.
Bên cạnh đó, ACB cũng đang triển khai nhiều hình thức nhận lãi khác tùy thuộc vào nhu cầu riêng của từng khách hàng như: nhận lãi theo quý (5,35%/năm - 6%/năm), nhận lãi hàng tháng (3,05%/năm đến 7,1%/năm) và nhận lãi trả trước (2,95%/năm đến 5,40%/năm).
Anh Khôi
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam