Aeon sẽ xây dựng thêm 16 trung tâm thương mại trên cả nước |
Tại Việt Nam, Aeon hiện diện từ năm 2009 với một văn phòng đại diện, và chính thức ghi dấu trên thị trường vào năm 2014, sau khi ra mắt trung tâm thương mại đầu tiên ở TP.HCM.
Trong một công bố mới đây, Aeon cho biết có kế hoạch tăng gấp ba lần số lượng trung tâm thương mại tại Việt Nam đến năm 2025, nằm trong chiến lược mở rộng hoạt động khu vực Đông Nam Á của tập đoàn.
Dự kiến, Aeon sẽ xây dựng thêm 16 trung tâm thương mại trên cả nước. Chỉ riêng Hà Nội, dự tính đầu tư 3-4 dự án mới, và thêm 100 cửa hàng, siêu thị trong khu vực, tăng khoảng 10 lần hiện tại, trong 3 năm kế tiếp.
Nikkei Asia đánh giá, mục tiêu của doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản là nhằm tìm kiếm lợi thế trong lĩnh vực thực phẩm, đồng thời thu hút tầng lớp khách hàng trung lưu đang ngày càng tăng nhanh, và tận dụng việc nới lỏng quy định hạn chế đối với nhà bán lẻ nước ngoài dự kiến trong thời gian tới.
Aeon đang tích hợp các bếp sản xuất bánh mỳ nướng và đồ ăn chế biến sẵn tại các trung tâm thương mại, hướng tới xây dựng mạng lưới cung ứng cho các siêu thị nhỏ trong hệ sinh thái. Cuối tháng 8 qua, tại Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội), một gian bếp khổng lồ đã hoạt động hết công suất dù mới 6h sáng.
Được biết, hàng chục nhân viên đang đưa bánh ra khỏi lò và rồi chuyển vào những khu vực bảo quản. Chỉ riêng trung tâm siêu thị này có đến 60 loại bánh mì, bánh ngọt khác nhau, ngoài ra còn nhiều sản phẩm bánh khác chuyên được bán vào chuỗi MaxValu.
Một ngày bình thường, siêu thị này cung cấp ra từ 5.000 đến 6.000 chiếc bánh khác nhau, bánh từ siêu thị Aeon được chuyển đến các cửa hàng trong chuỗi 3 lần/ngày bằng hệ thống vận chuyển riêng của hãng.
Trong quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, Aeon cung cấp các loại bánh tươi hàng ngày và nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn trong hệ thống các trung tâm siêu thị mà Aeon vận hành. Đồng thời, khả năng phân phối hiệu quả sang các cửa hàng xung quanh cũng giúp mang đến cho Aeon lợi thế cạnh tranh quan trọng.
“Chúng tôi có kinh nghiệm trong việc cung cấp và vận chuyển thực phẩm trên quy mô lớn đã tích lũy được từ Nhật Bản và Malaysia, có những lĩnh vực vượt trội so với các doanh nghiệp khác”, ông Yasuyuki Furusawa, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam chia sẻ.
Định hướng phát triển tại khu vực Đông Nam Á đã nằm trong chiến lược trung hạn của Aeon từ nhiều năm nay. Một nhà điều hành cao cấp tại Aeon từng khẳng định Việt Nam là thị trường quan trọng nhất trong chiến lược phát triển ra nước ngoài của Aeon.
Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu dân, độ tuổi trung bình là 33. Kinh tế Việt Nam không ngừng ghi nhận mức tăng trưởng cao, dự kiến khoảng hơn 7% trong năm nay.
Có quan điểm tương đồng, Central Retail, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Thái Lan, cũng không giấu giếm tham vọng thâu tóm thị trường Việt Nam.
Trong thông báo hồi đầu tháng 10, Central Retail chia sẻ kế hoạch tăng số lượng cửa hàng tại Việt Nam từ 340 lên 710 vào năm 2026, nhằm tận dụng tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam. Central Retail cho biết, họ dự định đầu tư hơn 3 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu vốn mở rộng trong 5 năm tới, và kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trưởng gấp 2,5 lần.
Theo Statista, Co.opmart là chuỗi cửa hàng tạp hóa phổ biến nhất tại Việt Nam, với 128 cửa hàng, tiếp theo là WinMart, với 123. Năm nay, thị trường thực phẩm dự kiến sẽ đạt doanh thu 88,5 tỷ USD, với mức tăng trưởng hàng năm dự kiến là 8,37% hàng năm cho đến năm 2027.
Ánh Dương