Ánh sáng trở lại với thương hiệu từng “thắp sáng mọi nhà”?
Sau thời gian bị cảnh báo và kiểm soát, cổ phiếu DQC bất ngờ tăng trần trong phiên giao dịch ngày 20/5. Liệu đây có phải tín hiệu cho một bước ngoặt tích cực của Bóng đèn Điện Quang?
Phiên giao dịch ngày 20/5 khép lại với một diễn biến hiếm thấy khi cổ phiếu DQC của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang bật tăng 6,7% đưa thị giá lên mức 10.350 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản đạt hơn 47.000 đơn vị – mức giao dịch gấp gần 5 lần so với trung bình 10 phiên gần nhất. Chỉ sau hơn 1 tháng (tính từ ngày 22/4 đến nay), DQC đã tăng hơn 16%.
Đây cũng là một trong những lần hiếm hoi cổ phiếu DQC tăng trần kể từ đầu năm đến nay, khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ và đặt câu hỏi: Liệu ánh sáng đã trở lại với thương hiệu từng “thắp sáng mọi nhà”?

Kết quả kinh doanh khởi sắc là động lực
Một trong những yếu tố có thể lý giải cho sự khởi sắc bất ngờ của cổ phiếu DQC chính là kết quả kinh doanh quý I/2025 vừa được doanh nghiệp công bố. Cụ thể, doanh thu thuần quý này đạt 170,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,93% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điểm sáng đáng chú ý nằm ở lợi nhuận sau thuế – đạt 2,99 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 26% so với mức gần như bằng 0 của quý I/2024.

Động lực chính đến từ việc chi phí tài chính giảm mạnh 57,15%, trong đó chi phí lãi vay giảm 53,96%. Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 24,49% cho thấy nỗ lực cắt giảm bộ máy và tối ưu vận hành. Mặc dù chi phí bán hàng tăng 26,9%, đây có thể là dấu hiệu cho thấy công ty đang chủ động đầu tư trở lại cho thị trường, sau thời gian dài thu mình.
Mặc dù biên lợi nhuận vẫn còn khá mỏng và tăng trưởng doanh thu còn khiêm tốn, nhưng việc duy trì lợi nhuận dương đã là một bước tiến lớn với Điện Quang – doanh nghiệp từng chìm sâu trong thua lỗ.
Hy vọng hồi sinh – nhưng vẫn cần thời gian
Nếu tiếp tục duy trì được xu hướng này trong các quý tiếp theo, Bóng đèn Điện Quang hoàn toàn có cơ hội cải thiện tình hình tài chính và dần lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp từng giữ vị thế dẫn đầu thị trường bóng đèn truyền thống với thị phần khoảng 60%, dư địa phục hồi không phải là không có.
Tuy nhiên, để thực sự “sáng trở lại”, Điện Quang sẽ cần làm nhiều hơn là chỉ cắt giảm chi phí. Công ty cần chứng minh năng lực chuyển đổi sang các dòng sản phẩm hiện đại hơn, như đèn LED và hệ thống chiếu sáng thông minh – lĩnh vực họ đã đặt cược từ năm 2022 nhưng chưa mang lại kết quả rõ nét.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng khi cổ phiếu DQC vẫn đang bị đặt trong diện cảnh báo và kiểm soát bởi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) do tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ với báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024, và khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm gần 70 tỷ đồng. Ngay sau đó, HOSE cho biết sẽ loại bỏ cổ phiếu DQC thuộc rổ chỉ số VNX Allshare của Bộ chỉ số VNX-Index và loại bỏ cổ phiếu DQC thuộc Bộ chỉ số HOSE-Index từ ngày 17/4.
Đợt tăng giá ngày 20/5 có thể là tia sáng mới sau thời gian dài trầm lắng của DQC. Tuy nhiên, với một doanh nghiệp từng dẫn đầu nhưng sa sút nghiêm trọng, ánh sáng này chỉ có thể duy trì nếu kết quả kinh doanh tiếp tục cải thiện, cùng với chiến lược rõ ràng và minh bạch hơn trong quản trị tài chính.
Nhà đầu tư kỳ vọng và cũng đang dõi theo liệu Điện Quang có thực sự “sáng trở lại”, hay chỉ là một đợt chớp nhoáng của ánh đèn cuối đường hầm?