Chứng khoán châu Á hồi phục nhờ tin xuất khẩu
Thị trường chứng khoán châu Á phiên 20/5: Nikkei 225 đi ngang, Hang Seng tăng mạnh trong bối cảnh Lợi suất trái phiếu Nhật Bản lập đỉnh và xuất khẩu Đài Loan tăng vọt.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 gần như đi ngang ở mức 37.520,49 điểm (+0,082%). Điểm đáng chú ý trong phiên là lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài của Nhật Bản tăng vọt lên mức cao kỷ lục, sau một phiên đấu giá không thành công. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm tăng 17 điểm cơ bản lên 3,14%, trong khi kỳ hạn 40 năm tăng 15 điểm lên 3,6%. Động thái này phản ánh lo ngại gia tăng về tình hình tài khóa của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Tại Trung Quốc, thị trường ghi nhận sắc xanh với chỉ số Shanghai Composite tăng 0,38% lên 3.380,48 điểm và CSI300 tăng 0,54%, đạt 3.898,17 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng mạnh 1,49%, chốt phiên tại 23.681,48 điểm.

Dữ liệu mới công bố cho thấy doanh thu tài khóa của Trung Quốc giảm 0,4% trong bốn tháng đầu năm, đạt 8.060 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.120 tỷ USD). Mức sụt giảm này đã thu hẹp so với mức giảm 1,1% trong quý I, cho thấy một số tín hiệu cải thiện. Trong đó, thu từ thuế giảm 2,1%, nhưng doanh thu ngoài thuế lại tăng 7,7%, phản ánh nỗ lực điều hành tài khóa linh hoạt của Chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh đối mặt áp lực từ các mức thuế của Mỹ.
Một điểm nhấn khác trên thị trường là màn chào sàn ấn tượng của CATL tại Hồng Kông, với cổ phiếu tăng tới 16% trong phiên giao dịch đầu tiên. Nhà sản xuất pin xe điện hàng đầu Trung Quốc đã huy động thành công 4,6 tỷ USD trong đợt phát hành – lớn nhất toàn cầu tính đến thời điểm hiện tại năm nay.
Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn tích cực đối với các doanh nghiệp dẫn đầu công nghệ, bất chấp môi trường thị trường đầy thách thức và việc công ty bị liệt vào danh sách có liên quan đến quân đội Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 1.
Tại Đài Loan, chỉ số Taiex gần như không biến động, dừng ở 21.526,03 điểm. Đơn hàng xuất khẩu của hòn đảo tăng vọt 19,8% trong tháng 4, vượt xa kỳ vọng 10% của giới phân tích. Giá trị đơn hàng đạt 56,4 tỷ USD, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp trong bối cảnh khách hàng toàn cầu tăng tích trữ sản phẩm công nghệ trước khi các mức thuế mới có hiệu lực và được rút lại một phần trong tháng.
Ở các thị trường khác trong khu vực. Chỉ số Sensex của Ấn Độ mất 0,96% còn 81.270,76 điểm, trong khi Kospi của Hàn Quốc giảm 0,98% về mức 2.601,18 điểm. Trái lại, thị trường Australia ghi nhận sắc xanh khi S&P/ASX 200 tăng 0,58% lên 8.343,30 điểm.
Đồng USD tiếp tục chịu áp lực bán ra trong phiên ngày 20/5, khi giảm 0,35% so với yên Nhật, xuống còn 144,305 chạm mức thấp nhất trong vòng 12 ngày. Đồng Euro tăng 0,14% lên 1,1259 USD, trong khi đồng Franc Thụy Sĩ mạnh lên khiến USD mất 0,2%, xuống 0,83280 Franc.
Đáng chú ý, đồng Đô la Australia (AUD) quay đầu giảm 0,59%, xuống còn 0,64195 USD sau khi Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản và để ngỏ khả năng nới lỏng tiếp trong thời gian tới. Diễn biến này đã xóa bớt phần nào đà tăng 0,8% của AUD trong phiên đầu tuần.
Đồng bảng Anh tăng nhẹ 0,16% lên 1,33840 USD, nối tiếp mức tăng 0,6% trong phiên trước đó.