Cổ phiếu VIC phát tín hiệu mua, sóng tăng liệu có bền vững?

20/05/2025 - 11:49
(Bankviet.com) Hai phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu VIC thu hút mạnh dòng tiền với thanh khoản tăng vọt, vốn hóa tiệm cận 355.000 tỷ đồng.
Báo cáo - Phân tích

Cổ phiếu VIC phát tín hiệu mua, sóng tăng liệu có bền vững?

Đức Anh 20/05/2025 10:44

Hai phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu VIC thu hút mạnh dòng tiền với thanh khoản tăng vọt, vốn hóa tiệm cận 355.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang phân hóa rõ nét, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup lại nổi bật như một điểm sáng hiếm hoi, khi liên tiếp bứt phá mạnh mẽ. Phiên 19/5, VIC tăng kịch trần lên mức 85.600 đồng/cổ phiếu với thanh khoản tăng vọt lên hơn 9,1 triệu đơn vị – gần gấp đôi so với phiên liền trước.

Đà hưng phấn này tiếp tục được duy trì trong phiên sáng 20/5 khi VIC tiếp tục tăng trần lên mức 91.500 đồng/cổ phiếu, đẩy vốn hóa thị trường của Vingroup tiệm cận mốc 355.000 tỷ đồng – giữ vững vị trí top 2 toàn thị trường.

vic_2025-05-20_10-12-01.png
Diễn biến giá cổ phiếu VIC

Từ góc nhìn kỹ thuật, VIC đã phát đi tín hiệu tích cực đầu phiên 20/5 khi chỉ báo Bollinger Band (20,2) bật tín hiệu mua, hàm ý giá cổ phiếu đang phá vỡ vùng dao động thông thường và có thể bước vào giai đoạn tăng tốc.

Tuy nhiên, các chỉ báo khác như so sánh giá với đỉnh/đáy 3 và 6 tháng cũng như tín hiệu từ mô hình James O’Shaughnessy vẫn chỉ dừng lại ở mức trung tính, cho thấy xu hướng chưa thật sự chắc chắn.

VIC hiện đang giao dịch quanh vùng giá 88.500 – 91.500 đồng/cp với thanh khoản duy trì khá ổn định, phản ánh dòng tiền vẫn đang theo sát cổ phiếu đầu ngành bất động sản này, đặc biệt khi cả nhóm “họ Vin” đồng loạt giao dịch tích cực.

VIC (2)
Tín hiệu mua/bán cổ phiếu VIC. Nguồn. Trung tâm dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Tuy nhiên, xét về nền tảng tài chính, VIC lại khiến giới đầu tư phần nào dè dặt. Với mức P/E lên tới 31,96 lần, cao hơn hẳn mặt bằng chung, cùng P/B ở mức 2,22 cổ phiếu đang bị định giá cao so với mức sinh lời thực tế. Chỉ số EPS ở mức 2.863 VNĐ, trong khi ROE chỉ 3,88% và ROA là 0,78%, thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp đầu ngành khác.

Những con số này phản ánh kỳ vọng lớn từ thị trường về tiềm năng dài hạn của Vingroup trong các lĩnh vực chiến lược như xe điện (VinFast), du lịch – giải trí (Vinpearl) hay công nghiệp công nghệ cao, đồng thời đặt ra bài toán về khả năng chuyển hóa kỳ vọng thành kết quả kinh doanh thực tế trong trung và dài hạn.

Với những phân tích trên, VIC đang đứng giữa hai thái cực, một bên là kỳ vọng cao được củng cố bởi các siêu dự án và chiến lược dài hạn của tập đoàn mẹ, bên kia là định giá đã phản ánh trước phần lớn kỳ vọng đó.

Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp tăng để lướt sóng, nhưng cần chú ý vùng kháng cự quanh 92.000 – 95.000 đồng/cp, đồng thời theo dõi chặt diễn biến thanh khoản và thông tin hỗ trợ. Về trung – dài hạn, chỉ nên giải ngân nếu có sự cải thiện rõ nét về chỉ số tài chính hoặc những động lực tăng trưởng cụ thể từ mảng kinh doanh cốt lõi và các lĩnh vực mới như ô tô điện hay bất động sản khu công nghiệp.

VIC đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư cả về mặt kỹ thuật lẫn kỳ vọng vĩ mô. Tuy nhiên, “sóng” có bền hay không sẽ phụ thuộc vào việc VIC có thể thuyết phục thị trường bằng kết quả thực tế, chứ không chỉ bằng kỳ vọng.

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán