Cần đảm bảo sự công bằng, khách quan trong xét xử hai vụ án tại Đà Nẵng
Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Đại Biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH Thành phố Đà Nẵng |
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - đoàn Đà Nẵng góp ý về 2 vụ án của người dân liên quan đất đai xảy ra tại TP. Đà Nẵng trong các năm 2010, 2011.
Qua nghiên cứu đơn và các bản án, đại biểu nhận thấy có sự khó hiểu và khó lý giải về các bản án đã tuyên.
Vụ thứ nhất là vụ Phan Văn Anh Vũ và các bị cáo phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, được Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm.
Theo đại biểu đoàn Đà Nẵng, tại Bản án số 48 ngày 30/1/2019 và Tòa án nhân dân cấp cao xử phúc thẩm ngày 13/6/2019 xác định thiệt hại của vụ án là 7 tài sản của Nhà nước mua, thuê trái phép, trị giá thiệt hại của tài sản được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là năm 2010 và 2011.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án nói trên và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sửa bản án theo cách xác định giá trị thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án.
Ngày 5/9/2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã bác kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bằng Quyết định Giám đốc thẩm số 14 do Chánh án ký.
Quyết định này khẳng định, việc xác định thiệt hại của vụ án tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là đúng pháp luật.
Vụ thứ hai là cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh và các bị cáo phạm tội vi phạm quy định về sử dụng, quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhận thấy, trong vụ án này, cả Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội số 20 ngày 13/1/2020 và bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội số 158 ngày 12/5/2020 lại xác định trị giá tài sản thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án, tức là thời điểm năm 2018.
Tóm lại, hai vụ án đều được Tòa án nhân dân TP. Hà Nội và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử đều liên quan tới 3 tài sản nhà nước tại TP. Đà Nẵng, đó là nhà đất số 319 đường Lê Duẩn; dự án ven biển, đường Trường Sa; đất công viên An Đồn cũ, nhưng lại không thống nhất trong cách xác định trị giá thiệt hại của tài sản.
Trong đó, một vụ thì trị giá thiệt hại xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội; còn một vụ, trị giá thiệt hại xác định tại thời điểm khởi tố vụ án, trong khi Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định Giám đốc thẩm số 14 (trước thời điểm xét xử vụ án Trần Văn Minh và đồng phạm) là xác định thiệt hại phải được tính từ thời điểm thực hiện hành vi phạm tội.
Đại biểu nhắc lại tại phiên họp thứ 21 ngày 20/3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi đó, Chánh án khẳng định theo quy định của luật hiện hành cũng như nguyên tắc khoa học pháp lý, hậu quả của các vụ án được xác định tại thời điểm phạm tội.
Sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án có thư trả lời chất vấn đại biểu và cho rằng những vụ án này xét xử đúng pháp luật, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Theo đại biểu, ý kiến này không thuyết phục, vì cùng tài sản ấy, cùng Tòa án ấy nhưng mỗi vụ án lại tùy nghi xác định thiệt hại tại một thời điểm khác nhau là trái với khoa học pháp lý và luật hiện hành.
3 câu hỏi dành cho Chánh án Nguyễn Hòa Bình
Tại phiên thảo luận này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời 3 câu hỏi. Thứ nhất, vì sao Tòa án lại áp dụng không thống nhất việc xác định trị giá tài sản thiệt hại đối với 3 tài sản nhà nước ở 2 vụ án nói trên?
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu |
Thứ hai, Quyết định Giám đốc thẩm số 14 khẳng định bản án phúc thẩm số 346 đã xử đúng, thì bản án 158 có xử sai quy định của pháp luật về việc xác định trị giá tài sản thiệt hại hay không?
Đại biểu ví dụ, đất Công viên An Đồn cũ sơ thẩm chỉ có trên 32 tỷ đồng nhưng bản án số 158 lại tính thời điểm khởi tố là 167 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần.
Thứ ba, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần làm gì để bảo đảm sự thống nhất, công bằng, khách quan trong việc xét xử 2 vụ án trên, tạo niềm tin cho cử tri về sự công minh của pháp luật?
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, cần phải xác định ở thời điểm phạm tội vì tất cả các yếu tố cấu thành phạm tội đều phải được xác định ở một thời điểm - đó là thời điểm sự kiện phạm tội xảy ra.
“Không thể có việc các hành vi động cơ, mục đích, thủ đoạn xác định ở thời điểm sự kiện phạm tội xảy ra, còn riêng hậu quả thì để vài ba năm sau khi khởi tố mới xác định, điều đó là không công bằng” - ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, hậu quả của hành vi phạm tội gây ra cho xã hội phải do chính hành vi đó gây ra chứ không phải do các yếu tố bên ngoài.
Quỳnh Nga