Bất động sản tuần qua: Thu hồi dự án Bệnh viện Ngọc Tâm "đắp chiếu" nhiều năm

23/10/2023 - 23:30
(Bankviet.com) Dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô ở Phú Yên bị thu hồi 134 ha đất, thu hồi dự án Bệnh viện Ngọc Tâm "đắp chiếu" nhiều năm, mua đất bằng giấy viết tay vẫn được cấp sổ đỏ trong năm 2023, liên danh Đèo Cả rót vốn "khủng" đầu tư cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Hà Nội sắp có thêm 1 cây cầu bắc qua sông Hồng là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.
Bất động sản tuần qua: Thu hồi dự án Bệnh viện Ngọc Tâm

Dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô ở Phú Yên bị thu hồi 134 ha đất

Dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô ở Phú Yên bị thu hồi 134 ha đất

UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định thu hồi đất và giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thị xã Đông Hòa quản lý đối với khu đất Nhà máy lọc dầu Vũng Rô tại xã Hòa Tâm (thị xã Đông Hòa).

Lý do thu hồi là dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô (phần134ha xây dựng cảng trên cạn) của Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trước đó, vào năm 2018 tỉnh Phú Yên đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô có công suất 8 triệu tấn/năm.

Theo tìm hiểu, Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô là dự án do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư, được liên danh Technostar Management (Anh) và Telloil (Nga) lập ra, tổng giá trị đầu tư dự án 3,2 tỷ USD, được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007.

Dự án bao gồm nhà máy lọc dầu có công suất 8 triệu tấn/năm, tổ hợp hóa dầu và cảng biển Bãi Gốc. Dự án được triển khai trên diện tích 538ha đất, trong đó 404ha xây dựng nhà máy, 134ha xây dựng cảng Bãi Gốc (chưa kể phần diện tích mặt nước từ 500-1.300ha).

Tháng 9/2014, chủ đầu tư tổ chức động thổ, đồng thời cam kết năm 2016 sẽ đưa nhà máy đi vào hoạt động, đến năm 2019 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư chỉ thi công cầm chừng, rồi sau đó dừng hẳn.

Đến ngày 5/3/2018, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên đã có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Nguyên nhân do chủ đầu tư dự án đã có quyết định tự chấm dứt đầu tư dự án.

Thu hồi dự án Bệnh viện Ngọc Tâm "đắp chiếu" nhiều năm

UBND TP HCM yêu cầu thu hồi khu đất diện tích 2,9ha, thuộc thửa số 151, 172, tờ bản đồ số 18, 20, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức do Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm quản lý sử dụng.

Lý do thu hồi đất: thu hồi đất theo quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai và khoản 14, Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Khu đất trên có vị trí rất đẹp, rộng 2,9ha, 4 mặt tiền nằm sát bên UBND TP Thủ Đức được UBND TP HCM giao cho Công ty CP Đầu tư thương mại Đặng Trần (Công ty Đặng Trần) từ năm 2006, với mục đích xây dựng bệnh viện quy mô 500 giường bệnh phục vụ người dân.

Tháng 7/2008, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thay tên Công ty Đặng Trần bằng là Công ty Việt Tín. Tháng 2/2009, UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Việt Tín để đầu tư dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm. Tháng 4/2009, Công ty Việt Tín lập hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất khu đất trên với Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm, với trị giá góp vốn là 105 tỷ đồng.

Đến năm 2013, Công ty Việt Tín bán “quyền sử dụng đất” của dự án cho Công ty Cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm với giá 65 tỷ đồng.

Sau đó, năm 2014 - 2016, khu đất của dự án bệnh viện Ngọc Tâm được đem thế chấp vay của Ngân hàng Sacombank - chi nhánh Bình Thạnh về vay hơn 220 tỷ đồng (hiện nay tài sản trên đã được giải chấp).

Trước những sai phạm từ chủ đầu tư, năm 2016, UBND TP HCM đã chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Thanh tra TP vào cuộc kiểm tra, xác minh, làm rõ các sai phạm. Sau khi kiểm tra, xác minh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kết luận: Công ty Đặng Trần, Công ty Việt Tín, Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm xin giao đất để đầu tư xây dựng bệnh viện nhưng không có năng lực để thực hiện dự án, không triển khai thực hiện mà chỉ mang khu đất đi góp vốn, chuyển nhượng lòng vòng, thế chấp, cầm cố để lấy tiền phục vụ vào mục đích khác.

Vì vậy, UBND TP HCM chỉ đạo xem xét, thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi dự án, thu hồi 2,9ha đất đã cấp cho Công ty Đặng Trần để nhà nước quản lý, giao đơn vị có năng lực đầu tư bệnh viện.

Mua đất bằng giấy viết tay vẫn được cấp sổ đỏ trong năm 2023

Theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP thì người sử dụng đất có đất được mua, tặng cho bằng giấy viết tay thuộc một trong 2 trường hợp sau đây và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ lần đầu mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất.

Trường hợp thứ nhất, người sử dụng đất đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 1/1/2008;

Trường hợp thứ hai, người sử dụng đất đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất từ ngày 1/1/2008 đến trước ngày 1/7/2014 mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định.

Theo đó hộ gia đình, cá nhân hiện nay đang sử dụng các thửa đất có nguồn gốc như trên thì được quyền thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu.

Đặc biệt trong hai trường hợp này người sử dụng đất không cần phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất từ người sử dụng đất ban đầu mà được cấp luôn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu.

Về hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu khi mua bán đất bằng giấy viết tay, hộ gia đình, cá nhân hiện đang sử dụng đất nay thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo quy định tại Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT cần chuẩn bộ 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:

Thứ nhất, đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo mẫu số 04a/ĐK và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất viết tay giữa các bên.

Thứ hai, một trong số các giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (nếu trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ 01/01/2008 đến trước 01/07/2014), nếu đăng ký về quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thì phải có một trong các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đất ở, chứng nhận quyền sở hữu các công trình xây dựng không phải là nhà ở, chứng nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, chứng nhận sở hữu cây lâu năm theo quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Cuối cùng là các chứng từ chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính; nếu thuộc các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất thì phải có các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện miễn, giảm các nghĩa vụ tài chính về đất và tài sản gắn liền với đất.

Liên danh Đèo Cả rót vốn "khủng" đầu tư cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Tờ trình số 8947/TTr – UBND đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai)- Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo phương thức PPP.

Đây là dự án do Liên danh các nhà đầu tư gồm Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty CP Tập đoàn Nam Miền Trung (do Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện Liên danh các Nhà đầu tư).

Theo đề xuất của UBND tỉnh Lâm Đồng, điểm đầu dự án tại Km59+798.33 (trùng với điểm cuối tại lý trình Km60+243.83 của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20) thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; vị trí điểm cuối tại Km125+675, qua nút giao với đường Nguyễn Văn Cừ (khoảng 130m) thuộc TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Tổng chiều dài tuyến thuộc dự án khoảng 66km, trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11km, tỉnh Lâm Đồng khoảng 55km với mức đầu tư dự án trong giai đoạn đầu là 18.120 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng hơn 2.820 tỷ; xây dựng, thiết bị gần 11.000 tỷ, chi phí dự phòng 2.450 tỷ đồng, lãi vay trong thời gian thi công là 1.010 tỷ đồng.

Hà Nội sắp có thêm 1 cây cầu bắc qua sông Hồng

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội vừa có báo cáo về dự án đầu tư và xây dựng cầu Vạn Phúc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra quốc lộ 32, huyện Phúc Thọ.

Theo đó, dự án sẽ khởi động vào quý II/2024, hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2027. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội là Chủ đầu tư dự án.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng thực hiện trên địa bàn các xã: Phụng Thượng, Long Xuyên, Xuân Đình và Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội với tổng chiều dài 7,76km. Điểm đầu tuyến nằm tại vị trí giao cắt với QL32, điểm cuối nằm tại vị trí ranh giới hành chính giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc.

Tổng diện tích sử dụng đất của dự án hơn 34,9ha. Trong đó, có 17,1ha đã được Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường đền bù và giải phóng mặt bằng, trùng với dự án Đường trục kinh tế xã hội Bắc - Nam.

Bất động sản tuần qua: Dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn bị “tuýt còi”

Hà Nội sửa đổi - bổ sung quy định bảng giá các loại đất, Bình Định "tuýt còi" dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn, ...

Bất động sản tuần qua: Đề xuất đầu tư 396 triệu USD nâng cấp quốc lộ nối Bắc Lào và Trung Quốc

Đề xuất đầu tư khoảng 396 triệu USD nâng cấp quốc lộ kết nối với Bắc Lào và Trung Quốc; Quảng Ngãi quản chặt các ...

Bất động sản tuần qua: Lâm Đồng chỉ đạo xử lý nghiêm dự án "ma" Đà Lạt Pearl

Lâm Đồng chỉ đạo xử lý nghiêm dự án "ma" Đà Lạt Pearl, Đà Nẵng lập đoàn kiểm tra các dự án ven biển... là ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán