Bộ đôi cổ phiếu "nhà" Đất Xanh bất ngờ được "nhuộm tím", động lực đến từ đâu?
Dòng tiền bất ngờ đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản trong phiên 23/4, đặc biệt là cặp đôi DXG và DXS của nhà Đất Xanh, đánh dấu sự trở lại đầy sức hút sau thời gian dài trầm lắng.
Phiên giao dịch ngày 23/4 khép lại với gam màu tích cực lan tỏa khắp bảng điện, trong đó nhóm bất động sản ghi nhận nhiều điểm sáng. Đáng chú ý, cặp đôi cổ phiếu nhà Đất Xanh là DXG và DXS bất ngờ trở thành tâm điểm khi đồng loạt tăng mạnh, thu hút dòng tiền lớn từ nhà đầu tư.
Theo đó, cả 2 cổ phiếu này đều giao dịch ở mức giá trần trong gần như cả phiên giao dịch. Đến kết phiên, DXS vững sắc tìm, còn DXG thu hẹp nhẹ đà tăng.
Cụ thể, DXS đóng cửa phiên tăng kịch trần 6,83%, thị giá đạt 6.100 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 1,4 triệu đơn vị. Trong đó khối ngoại mua ròng gần 0,4 triệu đơn vị.
Còn DXG thu hẹp đà tăng, với mức tăng 5,36%, đẩy thị giá lên 14.750 đồng/cổ phiếu, khớp tới hơn 20 triệu đơn vị, đứng thứ 6 trong số các cổ phiếu có thanh khoản cao nhất sàn HOSE hôm nay. Khối ngoại cũng mua ròng hơn 2,3 triệu cổ phiếu DXG.

Diễn biến có phần bất ngờ của cổ phiếu họ Đất Xanh đến ngay sau khi Tập đoàn Đất Xanh công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên 2025, dự kiến tổ chức vào ngày 9/5 tại TP.HCM.
Trong tài liệu, ban lãnh đạo công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 7.000 tỷ đồng trong năm 2025, tăng mạnh 62% so với năm 2024. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 368 tỷ đồng, tăng 44% so với kết quả thực hiện.
Đặc biệt, công ty dự kiến chia cổ tức 20% – một động thái có thể giúp củng cố niềm tin của cổ đông sau một năm đầy biến động của thị trường bất động sản.
Năm 2024, DXG đạt doanh thu thuần 4.795 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước đó, lợi nhuận ròng 255,9 tỷ đồng – mức tăng trưởng đáng kể 48,8%. Tuy vậy, công ty không chia cổ tức năm vừa rồi. Với kế hoạch chia cổ tức trở lại trong năm 2025, cổ phiếu DXG lập tức thu hút sự chú ý trở lại.
Nguồn thu chính của Đất Xanh đến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản – lĩnh vực chiếm hơn 69% tổng doanh thu nhờ bàn giao sản phẩm từ dự án Opal Skyline trong quý IV/2024. Bên cạnh đó, mảng môi giới bất động sản cũng đóng góp gần 25% tổng doanh thu.
Năm 2025 được kỳ vọng là giai đoạn phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản Việt Nam. Lãi suất giữ ở mức thấp, chính sách hỗ trợ dần phát huy hiệu quả, cùng với hành lang pháp lý bất động sản mới có hiệu lực đang tạo ra nền tảng thuận lợi cho sự bật dậy của doanh nghiệp ngành địa ốc.
Ban lãnh đạo Đất Xanh cho biết định hướng hành động trong năm nay sẽ tập trung triển khai các dự án có pháp lý hoàn chỉnh và vị trí chiến lược như The Privé và Gem Sky World. Đồng thời, công ty cũng đẩy mạnh chiến lược M&A, chủ động săn tìm quỹ đất tiềm năng trong bối cảnh thị trường đang bước vào chu kỳ tái cơ cấu.
Đáng chú ý, tháng 3/2025 vừa qua, Tập đoàn Đất Xanh đã hoàn tất đợt chào bán hơn 150 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, thu về 1.802 tỷ đồng – nâng vốn điều lệ lên hơn 8.720 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động phần lớn được dùng để xử lý nợ trái phiếu và các khoản vay của công ty con là Bất động sản Hà An – đơn vị đang sở hữu nhiều dự án chủ lực như Gem Sky World, Opal Boulevard và Opal Skyline.
Không chỉ tập trung giảm áp lực tài chính, Đất Xanh còn thể hiện quyết tâm chuyển đổi số thông qua đầu tư xây dựng nền tảng ERP – một phần trong chiến lược phát triển dài hạn nhằm tăng hiệu quả vận hành, tối ưu nguồn lực và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Việc dòng tiền đổ mạnh vào bộ đôi DXG – DXS cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước về chu kỳ phục hồi bất động sản đã bắt đầu hình thành rõ nét. Tuy nhiên, với thị trường vẫn còn nhiều biến động, các yếu tố vĩ mô chưa hoàn toàn rõ ràng và áp lực tài chính của doanh nghiệp chưa dứt điểm, nhiều nhà đầu tư vẫn giữ tâm thế quan sát thận trọng.