Theo báo cáo mới đây về Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB), Chứng khoán Bảo Việt cho biết tín dụng quý III của ngân hàng chỉ tăng trưởng 1,6% so với quý liền trước, tương ứng tăng 11,6% so với đầu năm.
Như vậy hạn mức tín dụng còn lại của Vietcombank không còn nhiều nhưng trước mắt ngân hàng sẽ chủ yếu cơ cấu sản phẩm và sử dụng hạn mức còn lại.
Theo BVSC, Vietcombank có thể được cấp thêm hạn mức tín dụng 2 - 4% nếu cần thiết nhờ việc hỗ trợ nền kinh tế và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 10%.
Về chất lượng tín dụng, nhóm chuyên gia cho biết có thể Vietcombank sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu trong quý IV để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 1% như kế hoạch.
Tính đến cuối quý III, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank là 1,16%, tăng 0,42% so với quý liền kề và 0,15% so với cùng kỳ. Nợ nhóm 2 ghi nhận ở mức 6.278 tỷ đồng, tăng 11,5% so với quý liền kề và 51% so với cùng kỳ. Nợ tái cơ cấu của ngân hàng tăng từ 4.100 tỷ cuối quý II lên 5.000 tỷ cuối quý III.
Tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank (Nguồn: BVSC, Vietcombank)
Lãi từ hoạt động dịch vụ sẽ tăng mạnh trong quý IV
Bộ phận phân tích cho biết trong quý IV, nhiều khả năng Vietcombank sẽ ghi nhận khoảng 850 tỷ phí trả trước hợp đồng bancassurance (banca) và giúp cho lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh so với quý III.
Trước đó, trong quý II, ngân hàng đã thực hiện ghi giảm khoản phí trả trước của hợp đồng banca ghi nhận trong quý I, khiến lợi nhuần thuần từ hoạt động dịch vụ quý II giảm mạnh.
Báo cáo cũng lưu ý rằng việc Vietcombank hỗ trợ nền kinh tế thông qua các chương trình giảm lãi suất và phí dịch vụ có thể làm giảm NIM so với quý liền kề, ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng.
Ghi nhận trong quý III, NIM của ngân hàng đạt 3,01%, giảm 0,35% so với quý trước đó nhưng tăng 0,19% so với cũng kỳ. Mức giảm NIM chủ yếu đến từ lợi suất tài sản sụt giảm do Vietcombank giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng, trong khi chi phí vốn không còn dư địa để giảm tương ứng.
Dự báo một số chỉ tiêu tài chính của Vietcombank (Nguồn: BVSC)
Lưu Lâm
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam