Khổ qua - Món ăn bài thuốc chữa bệnh đái tháo đường Một số biện pháp phòng tránh bệnh đái tháo đường |
Các triệu chứng cảnh báo
Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi trung ương, đái tháo đường (bệnh tiểu đường) là tình trạng đường máu tăng cao (lúc đói > 7 mmol/l và sau ăn trên 11 mmol/l). Ở trẻ em, đái tháo đường type 1 hay gặp nhất.
Cảnh báo những dấu hiệu cho thấy trẻ mắc bệnh đái tháo đường |
Đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin, chủ yếu gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ insulin. Còn đái tháo đường type 2, vấn đề chính là sự đề kháng insulin.
Ngoài hai type đái tháo đường phổ biến trên, trẻ em còn có thể gặp các bệnh lý như đái tháo đường sơ sinh (trẻ dưới 1 tuổi), đái tháo đường khởi phát ở người trẻ tuổi hoặc đái tháo đường đi kèm tình trạng bệnh lý khác gây tổn thương tuyến tụy (đái tháo đường thứ phát).
Theo giới chuyên gia, một số triệu chứng của bệnh đái tháo đường có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác, tuy nhiên bệnh vẫn có những dấu hiệu phổ biến, như: Tiểu đêm thường xuyên; hay khát nước, uống nhiều nước; sụt cân; mệt mỏi; thay đổi cảm xúc. Bên cạnh đó cũng có một số dấu hiệu khác: Nhiễm trùng miệng, âm đạo hoặc da; đau bụng; hay đói…
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, qua kiểm tra, bên cạnh hàng loạt dấu hiệu của bệnh đái tháo đường trẻ em nói trên, các bác sĩ phát hiện đường huyết của bệnh nhi tăng cao 26,1 mmol/l, cao gấp nhiều lần người bình thường, kèm theo dấu hiệu mất nước.
Thông tin từ khoa Nội tiết của Bệnh viện, trong vài tháng gần đây, riêng tại khoa đã tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân từ 7-18 tuổi nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường type 1 đều ở mức đường huyết rất cao. Tại khoa hiện cũng đang điều trị một trường hợp bé gái 8 tuổi mắc đái tháo đường type 1 được chẩn đoán lần đầu.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn - khoa Nội tiết, Bệnh viện Nội tiết Trung ương - chia sẻ: Có đến 95% trường hợp gây ra đái tháo đường tuýp 1 do cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân.
Điều trị bệnh như thế nào?
Hiện tại để điều trị đái tháo đường type 1 các chuyên gia vẫn khuyến cáo việc sử dụng insulin là bắt buộc. Kiểm soát đường huyết tốt góp phần giảm các nguy cơ về biến chứng lâu dài.
Đối với người mắc bệnh đái tháo đường type 1 nên theo dõi đường huyết tối thiểu 4 lần/ngày để có thể điều chỉnh liều lượng insulin dựa theo đường máu tại nhà. Với trẻ em có thể được thay đổi. Bên cạnh đó, người đái tháo đường type 1 cũng nên thay đổi luân phiên vị trí tiêm, vị trí thử đường huyết để có kết quả tốt nhất.
Một số lưu ý chủ yếu trong điều trị bệnh đái tháo đường type 1:
Điều trị bằng insulin: Cần bổ sung lượng insulin mà cơ thể không sản xuất ra được. Insulin cần phải được tiêm vào lớp mỡ dưới da (gọi là tiêm dưới da)
Chế độ ăn: Một chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ tinh bột cần thiết với lượng insulin tiêm vào cơ thể.
Tập thể dục: Tập thể dục và vận động là yếu tố cấu thành lối sống khỏe mạnh.
Lưu ý trong điều trị bệnh đái tháo đường type 2:
Thay đổi lối sống lành mạnh hơn, bao gồm vận động nhiều hơn, tập luyện thường xuyên, chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Với những trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên bị béo phì cần đặt mục tiêu duy trì cân nặng nhất định hoặc tăng cân từ từ.
Đảm bảo trẻ ăn uống một chế độ lành mạnh: Khuyến khích trẻ ăn thực phẩm ít béo, giàu chất dinh dưỡng như ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt, trái cây, rau, sản phẩm từ sữa và protein nạc có thể giúp ngăn ngừa tăng cân quá mức, một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh đái tháo đường type 2.
Hạn chế thức ăn và đồ uống có đường: Việc tiêu thụ nhiều thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường như nước ngọt, nước trái cây có đường có thể dẫn đến tăng cân quá mức.
Ngoài ra, các bệnh nhân đái tháo đường vẫn cần phải có các biện pháp hỗ trợ khác như uống thuốc hoặc tiêm insulin hoặc cả hai. Cần tuân thủ nghiêm chế độ ăn uống cũng như điều trị để tránh các biến chứng của bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến các cơ quan chính trong cơ thể, bao gồm: Tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận. Duy trì mức đường huyết bình thường có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc nhiều biến chứng.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn cảnh báo: Hiện nay có nhiều người nhầm tưởng bệnh đái tháo đường có thể chữa khỏi và tin vào nội dung quảng cáo không chính xác từ các trang mạng xã hội. Khi có các biểu hiện như nêu trên, người dân nên đến thăm khám ngay tại cơ sở y tế chuyên khoa nội tiết để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Việc thăm khám định kỳ đối với người bệnh đái tháo đường type 1 rất quan trọng, giúp theo dõi và điều chỉnh phác đồ điều trị cho người bệnh.
Tâm An