Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: Cần liên kết ngành để tạo sức bật cho bán lẻ

04/11/2023 - 14:13
(Bankviet.com) Trong giai đoạn khó khăn hiện nay cần có sự hợp lực giữa nhiều cấp, ngành để đẩy mạnh kích cầu bán lẻ, góp phần phát triển kinh tế.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2023 tăng 9,4% Doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh xúc tiến thương mại dịp cuối năm

Chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024" do báo Người lao động tổ chức sáng 3/11, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh đã thông tin về xu hướng bán lẻ cũng như các đề xuất để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: Cần liên kết ngành để tạo sức bật cho bán lẻ
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024"

Theo ông Nguyễn Anh Đức, từ tháng 7/2023, lần đầu tiên tiêu dùng nội địa đạt mức bằng trước dịch, nghĩa là chúng ta có sự vực dậy nhất định. Theo đó, giai đoạn 2019-2020, bán lẻ hiện đại đóng góp 24% thị phần bán lẻ, trong dịch còn 16-18% và đến nay đã quay lại 24%. Điều đó cho thấy đã có hiệu ứng đáng khích lệ từ những chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước đưa ra trong thời gian qua.

Bên cạnh tích cực, ông Đức cũng cho biết một điểm tiêu cực hiện nay của thị trường - đó là lần đầu tiên niềm tin của người tiêu dùng (CCI) tại Việt Nam rớt vào một trong những nước thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là một trong những yếu tố tác động làm thay đổi thị trường. Thêm vào đó, tỷ lệ đóng góp của khối nội ngày càng giảm khi chỉ chiếm khoảng 40% - nghĩa là có sự lệ thuộc vào khối ngoại.

Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Đức cũng nêu 4 xu hướng hiện nay các doanh nghiệp bán lẻ đang tự vận động để thích ứng với thị trường. Trong đó, ở xu hướng thứ nhất - cơ cấu nguồn hàng đầu vào đang có sự dịch chuyển, hàng ngoại thâm nhập thị trường mạnh mẽ. “Lần đầu tiên, trong 9 tháng chúng tôi tiếp hơn 60 đoàn của các tổ chức, cơ quan ngoại giao… để giới thiệu, mở đường cho sản phẩm nước ngoài vào phân phối ở thị trường Việt Nam. Cùng với đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn ở đầu ra cũng quay lại thị trường trong nước”- ông Đức nói.

Xu hướng thứ 2 - người tiêu dùng tiết kiệm hơn, tiêu dùng thông minh và quan tâm nhiều đến tiêu dùng thiết yếu. Cụ thể, hàng organic, xanh, sạch phát triển nhiều trước dịch nhưng trong và sau dịch lại ít được quan tâm hơn. Cùng với đó, hàng xa xỉ cũng trở nên kém hấp dẫn.

Xu hướng thứ 3 - các doanh nghiệp đón đầu các xu thế phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Theo đó, việc chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, xanh, bền vững đơn giản nhất đã được doanh nghiệp thực hiện. Tuy vậy, việc đầu tư chuyên sâu hơn chưa nhiều bởi lúc này điều quan trọng nhất của doanh nghiệp là bảo đảm sự tồn tại, do vậy không ưu tiên chi đầu tư cho dài hạn.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: Cần liên kết ngành để tạo sức bật cho bán lẻ
Người tiêu dùng Việt hiện chỉ chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu

Xu hướng cuối cùng - thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng hấp dẫn nhưng quy mô còn nhỏ, thị trường còn manh mún, những đơn vị vận hành trong nước đang dựa trên yếu tố cạnh tranh lẫn nhau… và đóng góp hạn chế trong tăng trưởng chung của lĩnh vực bán lẻ, thương mại dịch vụ.

Với mặt được và tồn tại nêu trên, ông Đức đã nêu một số đề xuất để thúc đẩy sự phát triển cho lĩnh vực này một cách bền vững hơn. “Ngành bán lẻ quy mô khoảng 140 tỉ USD, nếu có những chính sách tích cực, ngành bán lẻ sẽ tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Vì vậy, các chính sách sau giai đoạn Covid-19 như giảm 2% thuế suất GTGT cần tập trung vào doanh nghiệp nhiều hơn để giúp họ tồn tại và phát triển”- ông Đức nói. Tuy nhiên, theo ông Đức, những chính sách cần có sự hoạch định, áp dụng sớm hơn và mang tính liên tục, dài hơi hơn để các doanh nghiệp có thể tồn tại. Ngoài ra, cần quy hoạch tổng thể lại cung cầu nguồn nguyên liệu trên bình diện quốc gia để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết của các ngành, các hiệp hội để tạo nên sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn là cạnh tranh cục bộ trong từng ngành. Ví dụ, du lịch hợp lực với thương mại để phát triển. Và để làm được những nội dung này, cần bàn tay vĩ mô nhằm cấu trúc lại giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro, tránh rơi vào khủng hoảng.

Thùy Dương

Theo: Báo Công Thương