Theo báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2025, Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra những nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh các cải cách sâu rộng và chiến lược đầu tư quy mô lớn sẽ là động lực đưa nền kinh tế đạt bước phát triển bứt phá trong giai đoạn tới.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội nâng hạng vào tháng 9/2025 |
BSC đánh giá, trên trường quốc tế, sự kết hợp giữa lạm phát giảm, lãi suất hạ và thị trường lao động vững vàng đã giúp các nền kinh tế lớn tránh được nguy cơ "hạ cánh cứng" trong năm 2024. Tuy nhiên, với sự trở lại của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, các chính sách Trump 2.0 sẽ định hình lại kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới.
Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đơn giản hóa quy trình pháp lý, áp thuế nhập khẩu cao, cải cách nhập cư và năng lượng của ông Trump có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, nhưng đi kèm đó là sự gia tăng chỉ số Dollar Index và nguy cơ lạm phát quay trở lại. Đồng USD mạnh lên khiến các đồng nội tệ giảm giá và dòng vốn bị rút khỏi các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Tình trạng này dự kiến sẽ tiếp tục căng thẳng trong quý I/2025, gây áp lực lớn đến điều hành chính sách tài chính của các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với trọng tâm cải cách sâu rộng trên ba phương diện: thể chế, nhân lực và hạ tầng. BSC cho rằng, năm 2024 là bước đệm quan trọng khi Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế với việc ban hành 31 luật và 42 nghị quyết, chiếm 50% tổng số văn bản từ đầu nhiệm kỳ. Nhiều luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã có hiệu lực sớm, tạo động lực mạnh mẽ cho các ngành kinh tế trọng điểm.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam |
Về hạ tầng, Việt Nam đã hoàn thành nâng cấp 2.021 km đường cao tốc và đặt mục tiêu đạt 3.000 km vào năm 2025, đồng thời triển khai các dự án lớn như vành đai 4 vùng Thủ đô, vành đai 3 TP.HCM và đường sắt đô thị. Các dự án tầm cỡ như đường sắt cao tốc Bắc - Nam trị giá 67 tỷ USD, dự kiến đóng góp 0,97% vào GDP giai đoạn 2025-2035, và dự án điện hạt nhân vừa được Quốc hội thông qua, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
Trong lĩnh vực nhân lực, Việt Nam đang tập trung tinh gọn bộ máy hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội. BSC nhận định, các cải cách lớn này sẽ tạo ra bước ngoặt quan trọng, giúp Việt Nam chuyển mình thành một nền kinh tế hiện đại, sẵn sàng đối mặt với thách thức toàn cầu.
BSC dự báo, với sự đồng bộ trong cải cách và đầu tư, tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam có thể đạt từ 6,5% đến 7,4%, tùy thuộc vào các yếu tố trong và ngoài nước. Lạm phát (CPI) dự kiến được kiểm soát ở mức 3,2% - 4,4%, trong khi lãi suất điều hành duy trì ổn định quanh ngưỡng 4,5%. Dù các chính sách cải cách lớn cần thời gian để phát huy hiệu quả, nhưng BSC kỳ vọng bộ máy mới sẽ vận hành thông suốt từ quý III/2025, mang lại hiệu ứng tích cực cho kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán.
Đối với thị trường chứng khoán, triển vọng nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên (Frontier) lên thị trường mới nổi (Emerging) đang trở thành tâm điểm chú ý. Việt Nam hiện đứng đầu về tỷ trọng trong chỉ số thị trường cận biên do MSCI và FTSE phân loại. Tuy nhiên, xét về giá trị vốn hóa, thanh khoản và số lượng cổ phiếu, thị trường Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chí của một thị trường mới nổi, thậm chí còn vượt trội hơn nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.
BSC nhận định, việc duy trì vị trí trong danh mục thị trường cận biên quá lâu có thể hạn chế khả năng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. "Chiếc áo" Frontier không chỉ làm thu hẹp cơ hội tiếp cận nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài mà còn cản trở thị trường hội nhập với các tiêu chuẩn quốc tế. Ngược lại, việc nâng hạng thành công không chỉ cải thiện niềm tin của nhà đầu tư mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế, gia tăng uy tín quốc gia trên trường quốc tế.
Theo dự báo của BSC, nếu được FTSE Russell nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đón nhận dòng vốn từ 700 triệu đến 1,5 tỷ USD từ các quỹ ETF và quỹ đầu tư chủ động. Thông thường, nhà đầu tư nước ngoài sẽ bắt đầu mua ròng từ 3-4 tháng trước khi FTSE ra thông báo chính thức, và từ 4-5 tháng đối với MSCI. Trong kịch bản cơ sở, BSC dự đoán FTSE sẽ công bố quyết định nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 9/2025.
Chứng khoán Việt Nam 2025: Nhà đầu tư nên làm gì để đón cơ hội? Thị trường chứng khoán 2025 đối mặt thách thức ngắn hạn nhưng định giá hấp dẫn với VN-Index P/E chỉ 13x, lợi nhuận doanh nghiệp ... |
Chứng khoán Maybank dự báo VN-Index đạt 1.500 điểm cuối năm 2025 nhờ 3 động lực chính Chứng khoán Maybank (MSVN) dự báo, VN-Index đạt 1.500 điểm cuối năm 2025 nhờ tăng trưởng lợi nhuận 17,1% và cải thiện thanh khoản. Trong ... |
Chứng khoán Việt Nam năm 2025: Định giá hấp dẫn nhưng cần cẩn trọng rủi ro Chứng khoán Việt Nam năm 2025 kỳ vọng tăng trưởng dài hạn nhờ tăng trưởng GDP mạnh mẽ, lãi suất thấp và định giá hấp ... |
Đức Anh