Chuyện ít biết về "quán quân" nợ xấu tại VietABank - Vicoland Group của ông Bùi Đức Long

25/08/2023 - 14:46
(Bankviet.com) Hết quý II, khoản nợ xấu 500 tỷ đồng của Vicoland Group đang chiếm 54% tổng nợ nhóm 5 của VietABank, đồng nghĩa với vị trí "quán quân" nợ xấu tại ngân hàng...
Chuyện ít biết về
Quan hệ tín dụng giữa Vicoland Group và VietABank đã gắn bó từ thời Chủ tịch Bùi Đức Long và Chủ tịch Phương Hữu Việt.

Bê bối của làng golf

Ông Bùi Đức Long sinh năm 1975, nổi tiếng với công chúng trên cương vị Chủ tịch HĐQT Vicoland Group, Quỹ đầu tư mạo hiểm Risemount Capital và chuỗi cầm đồ T99.

Với giới doanh nhân Việt Nam, ông Bùi Đức Long còn được biết đến với tư cách là Chủ tịch Công ty CP Dịch vụ Golf Việt Nam (VGS Group). Đây là tập đoàn hoạt động năng nổ trong lĩnh vực golf – môn thể thao người ta vẫn ví von là “thú chơi quý tộc”, chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu.

Trong làng golf Việt Nam, VGS Group và Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) được xem là hai “anh lớn” khi quy tụ thành viên, hội viên đều là các gương mặt tiêu biểu, chơi golf chuyên nghiệp và có tiếng tăm trên thương trường nhiều năm. Năm 2017, VGS Group và VGA đã cùng bắt tay để phát triển hệ thống tính điểm chấp quốc gia Vhandicap, được các golfer ưa chuộng bởi sự tiện lợi và chuẩn xác.

Tuy nhiên, gần đây VGA và cả VGS Group cùng dính vào bê bối về pháp luật khi một số golfer tham dự giải VGA Union Cup 2023 diễn ra tại sân golf Đầm Vạc (Vĩnh Phúc) hồi giữa tháng 3 đã “tranh thủ” tổ chức một “casino thu nhỏ” để đánh bạc dưới hình thức chơi poker tại phòng khách sạn, và đã bị lực lượng chức năng bắt quả tang.

Hậu quả, cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 37 người, trong đó 5 bị can về tội tổ chức đánh bạc, 31 bị can về tội đánh bạc và một người đề nghị truy tố cả hai tội danh.

Trong sới bạc khi đó, có hai cựu Phó chủ tịch VGA bị bắt quả tang là Lê Hùng Nam và Trần Thanh Tú, cùng với Đặng Đình Hậu – cựu Thành viên HĐQT của VGS Group.

Chuyện ít biết về
Trong sới bạc trên, lực lượng chức năng đã bắt quả tang hai cựu Phó chủ tịch VGA và một cựu Thành viên HĐQT VGS Group.

“Quán quân” nợ xấu VietABank

Giữa những ồn ào tại Vĩnh Phúc chưa lắng xuống, một doanh nghiệp khác của ông Bùi Đức Long là Vicoland Group bất ngờ xuất hiện trong Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ liên quan đến sai phạm tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, UPCoM: VAB).

Cụ thể, theo Kết luận thanh tra về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2013 - 2017”, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong hoạt động tín dụng của VietABank, nổi cộm là việc chưa phân loại nợ đúng quy định đối với Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland (Vicoland Group).

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, tại thời điểm thanh tra năm 2018, theo Nghị quyết số 42 của Quốc hội, lẽ ra VietABank phải chuyển nhóm nợ của Vicoland Group sang nhóm nợ xấu, thay vì giữ ở nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn).

Tuy nhiên, mãi đến thời điểm 30/11/2020, VietABank mới chuyển khoản nợ của Vicoland Group sang nhóm 3 và đến gần 1 năm sau, ngân hàng ghi nhận dư nợ 500 tỷ đồng của doanh nghiệp này ở nhóm nợ 5 (nợ có khả năng mất vốn), dẫn đến số tiền trích lập dự phòng rủi ro không hề nhỏ.

Theo tìm hiểu, từ cuối năm 2015, Vicoland Group đã phát sinh quan hệ tín dụng với VietABank, với tài sản bảo đảm là quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải (Mediterraneo Resort) tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, do doanh nghiệp làm chủ đầu tư (theo Hợp đồng số 503-02/15/VAB/HĐTCQTS-HTTTL).

Ít ai biết rằng, tại Mediterraneo Resort, Vicoland Group đã sát cánh cùng Việt Phương Group của đại gia Phương Hữu Việt để chung sức phát triển dự án. Ông Phương Hữu Việt là Chủ tịch VietABank từ tháng 9/2011 đến tháng 9/2021, tròn 10 năm giữ "ghế nóng".

Chuyện ít biết về
Ông Phương Hữu Việt, cựu Chủ tịch Việt Phương Group và VietABank.

Dường như, việc dự án Mediterraneo Resort gặp vấn đề về pháp lý, trượt tiến độ khiến Vicoland Group khó xoay xở kịp dòng tiền trả nợ cho nhà băng. Còn nhớ, đây là dự án nằm trong danh sách thống kê các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng giai đoạn 2016 - 2021 theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội.

Dư luận lo ngại về khả năng thu hồi vốn của VietABank đối với Vicoland Group. Việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bị “tắc nghẽn” nghiêm trọng như Mediterraneo Resort là không hề dễ dàng, và rủi ro mất vốn của ngân hàng đã hoàn toàn hiện hữu.

Theo báo cáo tài chính quý II của VietABank, tại ngày lập báo cáo, dư nợ cho vay đạt 66.670 tỷ đồng; trong khi đó, dư nợ xấu chiếm 1.660 tỷ đồng, với 728,8 tỷ đồng là nợ nhóm 4 và 923 tỷ đồng nợ nhóm 5. Tính ra, khoản nợ xấu của Vicoland Group đang chiếm 54% tổng nợ nhóm 5, là con nợ lớn nhất của nhà băng này.

Đặc biệt, so với đầu năm, nợ nhóm 4 của VietABank đã tăng mạnh 24 lần từ 30 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nợ xấu của VietABank nhảy từ 1,53% lên 2,6% tại thời điểm khép lại quý II.

Nợ xấu tăng mạnh chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Theo đó, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đã giảm đến 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 423 tỷ đồng.

VietABank lý giải, không chỉ phát sinh thêm chi phí dự phòng tín dụng rủi ro, khoản thu nhập khác (hoạt động xử lý nợ) cũng “đì đẹt” dẫn đến thu nhập lãi thuần từ hoạt động khác “bốc hơi” nửa đầu năm 2022.

Chuyện ít biết về
Tại ngày 30/6/2023, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của VietABank là 923,7 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ đồng thuộc về Vicoland Group.

Một chủ nợ khác

Về kết quả kinh doanh, trong giai đoạn 5 năm vừa qua (2018 – 2022), doanh thu cốt lõi của Vicoland Group (công ty mẹ) cho thấy xu hướng “đuối” dần. Từ 56 tỷ đồng (2018), chỉ tiêu quan trọng này giảm dần đều còn 22,7 tỷ đồng (2022).

Biến động cùng chiều, Vicoland Group chỉ có lãi 8 tỷ đồng vào năm 2018, sau đó “chìm sâu” trong thua lỗ, với các khoản lỗ lần lượt là 709 triệu đồng, 16,7 tỷ đồng, 9,2 tỷ đồng và 4 tỷ đồng (2019 – 2022).

Tính đến hết năm 2022, doanh nghiệp của ông Bùi Đức Long “ôm” lỗ lũy kế 14 tỷ đồng, là một trong những nguyên nhân khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.110 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 1.200 tỷ đồng.

Lúc này, tổng nợ phải trả của Vicoland Group là 1.616 tỷ đồng, chủ yếu là 890 tỷ đồng nợ vay dài hạn, bao gồm 500 tỷ đồng vay từ VietABank; khoản vay 390 tỷ đồng còn lại nảy sinh từ năm 2019.

Chuyện ít biết về
Phần lớn thời gian qua Vicoland Group đều chịu lỗ.

Tài liệu của Kinhtechungkhoan.vn cho thấy, cuối năm 2019, Vicoland Group đã thế chấp 28,2 triệu cổ phần của Công ty CP Mỹ Việt – chủ đầu tư Dự án Phát triển và kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn và biệt thự ven sông tại khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (tên thương mại là X2 Hội An Resort & Residence) tại tỉnh Quảng Nam cho một ngân hàng thương mại khác.

Đó là điều kiện tiên quyết để ngân hàng này giải ngân 350 tỷ đồng tiền vay cho doanh nghiệp của ông Bùi Đức Long. Cần biết rằng, ông Bùi Đức Long từng được bổ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT không điều hành tại ngân hàng giai đoạn tháng 6/2020 – 4/2021.

Trở lại với “lùm xùm” với VietABank, giả định VietABank làm đúng theo quy định, đưa Vicoland Group vào diện khách hàng nợ xấu từ năm 2018 thì chắc chắn dù ông Bùi Đức Long có quan hệ thân thiết với nhà băng đó, cũng đành “ngậm ngùi” gạt suy nghĩ cầm cố cổ phần công ty con để vay thêm 350 tỷ đồng.

Nói vậy để thấy, mối quan hệ giữa VietABank và “con nợ” lớn nhất - Vicoland Group là rất chặt chẽ, có sự tương tác qua lại, gây tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh, phát triển của hai bên.

(Còn nữa)

trái phiếu 5.000 tỷ đồng quá hạn “châm ngòi” chuỗi biến cố của Bitexco Group

Năm 2023, Bitexco Group vấp phải không ít biến cố lớn, từ chuyện công ty con "mắc cạn" với hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu, ...

Phát lộ sai phạm cho vay tại Sacombank: Nhóm DN "họ" Him Lam vay hơn 9.000 tỷ đồng, chiếm 48,52% vốn tự có

Him Lam Thủ đô, Đầu tư Hồng Bàng, Đầu tư xây dựng Bảo Lộc, Thương mại xây dựng Công Phúc... theo tìm hiểu đều là ...

CMH Việt Nam (CMS) - "ngôi sao" một thời "hút" trăm tỷ vốn góp từ cựu Chủ tịch LPBank Nguyễn Đức Hưởng giờ ra sao?

Ban đầu, sự hiện diện của cựu Chủ tịch LPBank đã tạo thành yếu tố then chốt đưa giá cổ phiếu CMS "nhảy múa" trên ...

Việt Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán