Cổ phiếu đáng chú ý trước phiên giao dịch ngày 21/11/2024: DXG, VHM, NVL

21/11/2024 - 14:19
(Bankviet.com) Trong phiên giao dịch ngày 20/11, cổ phiếu DXG tăng 6,2% lên 17.100 đồng, thanh khoản đạt kỷ lục 48,8 triệu đơn vị. DXS tăng 6,5% lên 7.050 đồng, khớp lệnh 6,4 triệu đơn vị. VHM tăng 2,61% lên 43.300 đồng, thanh khoản 28 triệu đơn vị. NVL tăng 4,65% lên 11.250 đồng, khớp lệnh 20 triệu đơn vị. FIR tăng trần 6,82% lên 4.700 đồng. QCG giảm sàn xuống 12.400 đồng. RDP giảm 6,55% xuống 1.570 đồng. VTP giảm 4,96% xuống 113.100 đồng.

DXG: Kết phiên 20/11, cổ phiếu DXG của Tập đoàn Đất Xanh tăng 6,2%, đạt mức 17.100 đồng/cp – cao nhất trong vòng 5 tháng. Đáng chú ý, thanh khoản DXG đạt kỷ lục với hơn 48,8 triệu đơn vị khớp lệnh, gấp hơn 5 lần mức trung bình hai phiên đầu tuần. Đây cũng là con số cao nhất kể từ khi mã lên sàn vào tháng 12/2009. Dù biên độ tăng giá nằm trong Top 5 nhóm bất động sản và dẫn đầu thị trường về thanh khoản, giao dịch bán chủ động vẫn chiếm ưu thế với 24,6 triệu cổ phiếu, so với 23,2 triệu đơn vị từ bên mua. Trong phiên, DXG ghi nhận tổng cộng 25.000 lệnh đặt mua/bán với khối lượng đặt mua 93,2 triệu đơn vị, tương đương 12,9% tổng lượng cổ phiếu lưu hành. Chiều đặt bán có 66,4 triệu đơn vị.

Cổ phiếu đáng chú ý trước phiên giao dịch ngày 21/11/2024: DXG, VHM, NVL

DXS: Bên cạnh DXG, DXS của Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh cũng tăng gần hết biên độ (+6,5%) lên mức 7.050 đồng/cổ phiếu, thanh khoản khớp hơn 6,4 triệu đơn vị. Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu từ hoạt động bán hàng của công ty đạt hơn 1.818 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 104 tỷ đồng, hoàn thành 62% chỉ tiêu đề ra tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024. Thông tin từ DXS, nhờ chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường, từ đầu năm 2024 đến nay, công ty đã ghi nhận giao dịch thành công tại hơn 150 dự án lớn nhỏ trên khắp cả nước.

VHM: Phiên 20/11 cũng tiếp tục chứng kiến cổ phiếu VHM nhà Vinhomes tăng tốt 2,61%, thị giá đạt mức 43.300 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản đứng thứ 2 toàn sàn với hơn 28 triệu đơn vị, chỉ xếp sau DXG của Tập đoàn Đất Xanh. Đây cũng là phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp của VHM. Tuy nhiên, điểm trừ phiên hôm nay là việc khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh cổ phiếu đầu ngành bất động sản này, với giá trị lên tới 340 tỷ đồng. Hiện, VHM vẫn đang trong quá trình thực hiện kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ. Được biết, hồi đầu tháng 8/2024, Hội đồng Quản trị Vinhomes cho rằng thị giá cổ phiếu VHM đang thấp hơn giá trị thực nên đã có quyết định mua lại cổ phiếu quỹ nhằm bảo vệ lợi ích của cả công ty lẫn cổ đông. Nếu hoàn tất việc mua lại toàn bộ số cổ phiếu như đã đăng ký, đây sẽ là thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam.

NVL: Hòa chung không khí khởi sắc của thị trường chứng khoán phiên 20/11, cổ phiếu NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) tiếp tục bật tăng mạnh 4,65%, đưa thị giá lên mức 11.250 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất trong 6 tuần vừa qua. Thanh khoản cũng ghi nhận sự đột biến khi khớp hơn 20 triệu đơn vị giao dịch, gấp gần 3 lần khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất. Diễn biến tích cực của cổ phiếu NVL có sự hỗ trợ từ thông tin siêu dự án "sống còn" Aqua City vừa được tháo gỡ nút thắt về pháp lý. Cụ thể, ngày 19/11 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai vừa chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 cho Phân khu C4, thuộc một phần khu đô thị phía Tây đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Quyết định này được xem là bước tiến quan trọng, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản tại khu vực, trong đó có dự án Aqua City do Tập đoàn Novaland làm chủ đầu tư.

FIR: Một cổ phiếu địa ốc nữa cũng bứt phá phiên 20/11 là FIR của Địa ốc First Real khi đóng cửa trong sắc tím (+6,82%), thị giá đạt 4.700 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 0,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, bức tranh tài chính của FIR vẫn ảm đạm khi doanh thu và lợi nhuận lần lượt giảm 26,7% (đạt 124 tỷ đồng) và giảm sâu đến 99% (còn 222 triệu đồng) so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong quý III/2024, công ty báo lỗ kỷ lục 10,5 tỷ đồng, trái ngược với con số lãi 1,9 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2023. Với kết quả kinh doanh yếu kém này, First Real chỉ hoàn thành 35,4% mục tiêu doanh thu (350 tỷ đồng) và 0,2% kế hoạch lợi nhuận năm 2024 (80 tỷ đồng).

QCG: Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/11, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) giảm kịch sàn xuống còn 12.400 đồng/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,89 triệu đơn vị, với dư bán giá sàn gần 244.300 cổ phiếu. Trong phiên giao dịch hôm nay (20/11), thị giá QCG tiếp tục giảm sàn, đóng cửa tại mức 11.550 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1 triệu đơn vị, trong khi dư bán sàn tăng lên 489,5 nghìn cổ phiếu. Cổ phiếu QCG liên tục nằm sàn sau thông báo từ UBCKNN về các vấn đề liên quan đến Báo cáo tài chính năm 2023 của Công ty. UBCKNN cho biết kiểm toán viên thuộc Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam, đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 của QCG, chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán và chưa thu thập đủ bằng chứng cần thiết để đưa ra ý kiến kiểm toán theo chuẩn mực. Do đó, UBCKNN quyết định đình chỉ các kiểm toán viên ký báo cáo kiểm toán tài chính năm 2023 của QCG.

RDP: Cổ phiếu RDP của Rạng Đông Holding cũng có một phiên giao dịch đáng quên khi giảm hết biên độ (-6,55%) xuống còn 1.570 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 0,7 triệu đơn vị. Đây cũng là phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này. Được biết, HOSE đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-SGDHCM, chuyển cổ phiếu RDP từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch kể từ ngày 24/10/2024. Quyết định này được đưa ra do RDP chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 (riêng lẻ và hợp nhất) quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Theo đó, cổ phiếu RDP chỉ được giao dịch trong phiên chiều của ngày giao dịch. Sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, RDP tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin. HOSE đã hai lần nhắc nhở công ty về việc chậm công bố BCTC quý III năm 2024 (riêng lẻ và hợp nhất). Đến nay, HOSE vẫn chưa nhận được BCTC soát xét bán niên 2024 và BCTC quý III/2024 của công ty.

VTP: Cổ phiếu VTP của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel tiếp tục giảm điểm mạnh phiên 20/11 (-4,96%), đưa thị giá về mức 113.100 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 3 triệu đơn vị. Phiên trước đó, VTP cũng giảm hơn 3%. Đáng chú ý, trước đó nữa, VTP đã lập tới 5 phiên liên tiếp tăng giá, với trong đó có 2 phiên kịch trần. Được biết, VTP cũng vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc đầu tư vào dự án Công viên Logistics Viettel tại Lạng Sơn. Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng dịch vụ xuất nhập khẩu, kho vận và thương mại điện tử quốc tế của Viettel Post. Theo đó, công ty dự kiến ký hợp đồng thuê cơ sở hạ tầng tại Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) và thành lập chi nhánh Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn tại huyện Cao Lộc.

Khối ngoại giảm bán ròng phiên 20/11, áp lực vẫn hiện diện tại VHM và FPT

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 20/11 chứng kiến khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.244 tỷ đồng trên toàn thị trường, giảm ...

Nhận định chứng khoán 21/11/2024: Tiếp đà tăng hay chỉ là nhịp hồi kỹ thuật?

Chỉ số chính thị trường chứng khoán VN-Index đảo chiều tăng 11,39 điểm lên 1.216,54 điểm nhờ lực cầu bắt đáy quanh mốc 1.200 điểm. ...

Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm, Nvidia và Bitcoin thu hút sự chú ý của nhà đầu tư

Chứng khoán châu Á giảm nhẹ trong phiên thứ Tư với MSCI châu Á - Thái Bình Dương và Nikkei Nhật Bản đi xuống. Nvidia ...

Nguyên Nam

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán