Thời gian gần đây, cổ phiếu VNM của Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk (sàn HOSE) thường xuyên đóng vai trò dẫn dắt, thậm chí ngược dòng ngoạn mục để “gánh” VN-Index. Ghi nhận kể từ mức thấp nhất 27 tháng (62.400 đồng/cổ phiếu) hồi giữa tháng 6/2022 vừa qua, cổ phiếu VNM đã có có tới 3 nhịp tăng giá qua đó giúp mã đi ngược xu hướng của thị trường chung đồng thời tạo cơ hội "tích sản" cho nhiều nhà đầu tư.
Kết phiên giao dịch ngày 1/11, cổ phiếu VNM tăng 2,17% lên mức 80.200 đồng thị giá cùng khối lượng giao dịch tăng trở lại ngưỡng trên 3 triệu đơn vị. Như vậy, sau 4 tháng rưỡi kể từ khi tạo đáy, cổ phiếu này đã tăng tới 31,4% trong khi cùng thời điểm, VN-Index mất tới 181 điểm (-14,9%) về còn 1.033,75 điểm.
Thậm chí, trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục giảm mạnh và có thời điểm xuống dưới mốc 1.000 điểm, VNM vẫn tăng gần 15% trong 1 tháng qua. Tính từ đầu tháng 10 tới nay, vốn hóa cổ phiếu Vinamilk đã tăng thêm 21.500 tỷ đồng lên 167.600 tỷ đồng - gần gấp đôi vốn hóa Tập đoàn Hòa Phát (hiện chỉ còn 87.200 tỷ).
Chỉ tính riêng từ mức thấp nhất phiên 7/10 vừa qua (66.500 đồng) - đến đầu tháng 11, cổ phiếu VNM đã tăng tới 23,3% thị giá.
Diễn biến giá cổ phiếu VNM thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
Cùng với diễn biến tích cực, cổ phiếu VNM cũng trở thành một trong số các điểm đến chính của dòng tiền khối ngoại khi trở thành mã được mua ròng mạnh nhất thị trường trong tháng 10 vừa qua với giá trị hơn 880 tỷ đồng.
Đà tăng của cổ phiếu được hỗ trợ tích cực bởi kết quả kinh doanh khả quan trong quý 3 cũng như 9 tháng năm 2022.
Tại báo cáo tài chính công bố mới đây, Vinamilk cho biết đã ghi nhận tổng doanh thu quý 3 đạt 16.094 tỷ đồng - duy trì mức ổn định so với mức cao cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.363 tỷ đồng - tăng 10,5% so với quý trước và là mức cao nhất trong 4 quý gần đây.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinamilk đạt 70% kế hoạch năm với tổng doanh thu đạt 44.994 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 6.748 tỷ đồng; tương đương EPS 2,835 đồng.
Đại diện Vinamilk cho biết kết quả kinh doanh này được củng cố nhờ mức tiêu dùng ngành sữa ổn định trở lại. Đồng thời, doanh nghiệp triển khai nhiều dự án tái định vị, tái cấu trúc nhằm củng cố vị thế trên thị trường không chỉ về thương hiệu, quy mô công ty mà sức mạnh tài chính trong bối cảnh môi trường cạnh tranh tăng cao.
Ngoài ra, kênh khách hàng đặc biệt và tăng trưởng từ thị trường nước ngoài cũng đóng góp vào kết quả khả quan này.
Cụ thể, doanh thu kênh khách hàng đặc biệt tăng hơn 10% so với cùng kỳ khi hoạt động của các cơ sở ăn uống, du lịch và trường học đã hoàn toàn phục hồi trong quý vừa qua. Thị trường nước ngoài ghi nhận doanh thu thuần 2.304 tỷ đồng. Hai công ty con là Driftwood tăng gần 30% và Angkormilk tăng trên 20%. Xuất khẩu trực tiếp ghi nhận doanh thu thuần 1.187 tỷ đồng. Công ty đang thực hiện các kế hoạch phát triển thị trường Đông Nam Á như Philippines thông qua liên doanh Del Monte - Vinamilk.
Trong khi đó, kênh truyền thống - kênh phân phối chủ lực tăng trưởng nhẹ. Thời gian qua, công ty mở mới thêm khoảng 600 điểm lẻ - ở kênh hiện đại. Chuỗi cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt và thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ - giúp công ty thu thập dữ liệu tiêu dùng cũng như thử nghiệm các phát kiến mới về sản phẩm và dịch vụ, hướng đến nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Tính đến ngày 30/9 năm nay, Vinamilk vận hành gần 700 cửa hàng trên toàn quốc.
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinamilk có sự cải thiện, đạt hơn 4.235 tỷ đồng - tăng 4,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty đạt 7.190 tỷ.
Thanh Tùng