Cuộc sàng lọc khốc liệt của cổ phiếu ngành ngân hàng

21/05/2025 - 03:33
(Bankviet.com) Cổ phiếu ngành ngân hàng phân hóa rõ rệt trong năm 2025, nhà đầu tư không thể "mua đại cả ngành" mà cần chọn đúng ngân hàng có tăng trưởng thực chất và nền định giá hợp lý.
Chiến lược - Kỹ năng

Cuộc sàng lọc khốc liệt của cổ phiếu ngành ngân hàng

Thu Hà 20/05/2025 16:50

Cổ phiếu ngành ngân hàng phân hóa rõ rệt trong năm 2025, nhà đầu tư không thể "mua đại cả ngành" mà cần chọn đúng ngân hàng có tăng trưởng thực chất và nền định giá hợp lý.

NIM không còn là “chìa khóa vàng”?

Ngành ngân hàng 2025 chứng kiến sự phân hóa sâu sắc. Từ khi Mỹ đề xuất áp thuế 46% vào đầu tháng 4, cổ phiếu ngân hàng không còn tăng giảm cùng nhịp. Có mã tăng mạnh, nhưng cũng có mã giảm sâu. Giữa những rung lắc mạnh của thị trường, nhà đầu tư không thể chỉ nhìn tên ngành để xuống tiền. Quan trọng là phải chọn đúng ngân hàng – nơi còn động lực tăng trưởng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Biên lãi ròng (NIM) từng là điểm sáng nâng đỡ cổ phiếu ngân hàng năm 2024, khi lãi suất huy động giảm sâu, giúp các ngân hàng hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất cho vay – huy động. Nhưng bước sang 2025, câu chuyện này đã thay đổi.

Mặt bằng lãi suất hiện đã ổn định, gần như không còn dư địa để NIM tăng thêm. Một số ngân hàng như Techcombank được nhận định đã đạt đỉnh NIM trong năm trước. Vì thế, kỳ vọng vào NIM như động lực tăng giá cổ phiếu sẽ không còn phù hợp trong giai đoạn tới. Vietcombank là trường hợp ngoại lệ, với lợi thế huy động vốn chi phí thấp từ người dân, giúp NIM vẫn giữ ở mức cao.

Điều này buộc nhà đầu tư phải nhìn xa hơn, thay vì chỉ chăm chăm vào lợi suất, đặc biệt trong bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nới lỏng như năm trước.

Tăng trưởng tín dụng trở thành “vũ khí chiến lược”

Tín dụng – tức dư nợ cho vay đang chính thức trở thành thước đo năng lực tạo lợi nhuận của ngân hàng. Quý I/2025 cho thấy sự phân hóa rõ nét: toàn ngành đạt mức tăng trưởng tín dụng 3,93%. Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, VietinBank (CTG) và BIDV (BID) ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng lần lượt 4,6% và 2,5%, cao hơn đáng kể so với nền thấp cùng kỳ năm 2024.

Theo báo cáo phân tích danh mục của BID, tăng trưởng chủ yếu đến từ ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ, trong khi phân khúc bán buôn - bán lẻ lại sụt giảm nhẹ. Vietcombank (VCB) – vốn tăng trưởng âm trong quý I/2024 – đã cải thiện đáng kể với mức tăng 1,2% trong quý này, dù vẫn là mức thấp nhất trong nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.

Ở khối ngân hàng bán lẻ, bức tranh phục hồi rõ nét hơn khi phần lớn ngân hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. VPBank, TPBankVIB – những ngân hàng từng chịu áp lực tăng trưởng chậm trong năm ngoái – đã đảo chiều mạnh mẽ nhờ chiến lược đa dạng hóa danh mục cho vay. Tín dụng trong các ngành công nghiệp chế biến và lĩnh vực bán buôn - bán lẻ phục hồi tích cực, đóng vai trò dẫn dắt. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng – vốn là mảng chủ lực của nhiều ngân hàng bán lẻ – vẫn chưa phục hồi rõ ràng, cho thấy nhu cầu vay tiêu dùng chưa thực sự khởi sắc sau giai đoạn suy giảm.

Nhóm ngân hàng bán buôn ghi nhận sự vượt trội của SHBMSB với mức tăng trưởng tín dụng trên 9%, vượt xa mức trung bình toàn ngành. Cơ cấu tăng trưởng tại hai ngân hàng này có sự khác biệt rõ rệt: SHB mở rộng mạnh ở mảng bất động sản và thương mại bán buôn - bán lẻ, trong khi MSB tập trung vào cho vay sản xuất – kinh doanh trong các ngành như khai khoáng, luyện kim và thương mại công nghiệp nhẹ. LPBank và Techcombank cũng duy trì đà tăng ổn định với lần lượt 6,2% và 5,1%. Ngược lại, HDBank chỉ đạt mức tăng trưởng 0,8%, giảm mạnh so với cùng kỳ (5,8%) do sự sụt giảm của tín dụng tiêu dùng – mảng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cho vay của ngân hàng này.

Nhóm ngân hàng nhỏ chứng kiến sự phân hóa rõ nét. Một số tổ chức như KienlongBank (KLB), PGBank (PGB), NCB (NVB) và Eximbank (EIB) đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 9%, chủ yếu nhờ mở rộng cho vay trong lĩnh vực xây dựng và thương mại bán buôn. Ngược lại, ABBankSaigonbank (SGB) tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng âm, tương tự xu hướng cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh tính chất đặc thù về mùa vụ hoặc giới hạn trong năng lực mở rộng tín dụng của các ngân hàng này.

Điểm cần nhấn mạnh là tăng trưởng tín dụng không đến từ nội lực đơn thuần, mà còn chịu tác động lớn từ chính sách phân bổ vốn, định hướng của Nhà nước và năng lực thực thi của từng ngân hàng. Nhà đầu tư vì vậy cần chú trọng vào “thế lực hậu trường” – chính sách mà ngân hàng được hưởng – để nhận diện cơ hội tăng trưởng.

Đề xuất thuế quan 46% của Mỹ tưởng như không liên quan đến ngân hàng, nhưng thực tế lại là một mũi dao giấu kín. Các tập đoàn FDI lớn tại Việt Nam như Samsung, Intel, LG chịu ảnh hưởng nặng nề khi chuỗi cung ứng bị bóp nghẹt và thị trường xuất khẩu chính bị siết chặt.

Ngân hàng nào có tỷ trọng cho vay FDI lớn sẽ là bên chịu tác động dây chuyền. Vietcombank đứng đầu danh sách này, tiếp theo là BIDV và CTG. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ vốn có sức chống chịu yếu sẽ càng dễ “vỡ trận” nếu nợ xấu tăng, tương tự bài học năm 2008 khi ngân hàng nhỏ có tỷ lệ nợ xấu gấp 3 lần ngân hàng lớn (12% so với 4%).

Có thể thấy, năm 2025 đánh dấu sự thay đổi về cách nhìn nhận cổ phiếu ngân hàng. Tư duy “mua cả ngành” có vẽ như đã lỗi thời. Biên lãi ròng không còn là động lực, tăng trưởng tín dụng và khả năng hưởng lợi từ chính sách mới là yếu tố then chốt. Nhà đầu tư cần phân tích sâu vào từng mã, hiểu rõ chiến lược của từng ngân hàng để lựa chọn phù hợp với khẩu vị rủi ro và mục tiêu lợi nhuận của mình.

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán