Đã có lộ trình cụ thể cho dự án xuất khẩu 1,2 GW điện gió sang Singapore của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS)

07/03/2024 - 21:03
(Bankviet.com) Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí và đối tác SCU đã xây dựng lộ trình cụ thể cho dự án xuất khẩu 1,2 GW điện gió sang Singapore với mục tiêu phát điện thương mại vào năm 2033.

Vừa qua, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ Singapore về việc triển khai thực hiện dự án đầu tư và xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam để xuất khẩu điện sạch sang Singapore.

Được biết, đoàn công tác của Chính phủ Singapore có sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội, Lãnh sứ quán Singapore tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thương mại, Cơ quan Quản lý Thị trường Năng lượng (EMA) và đối tác Semcorp Ultilities (SCU).

Đã có lộ trình cụ thể cho dự án xuất khẩu 1,2 GW điện gió sang Singapore của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS)
Đã có lộ trình cụ thể cho dự án xuất khẩu 1,2 GW điện gió sang Singapore của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí

Tại buổi làm việc, đại diện Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí và đối tác SCU đã trình bày kế hoạch triển khai và đề xuất những cơ chế, chính sách để thực hiện dự án nói trên. Theo đó, hai bên đặt mục tiêu phát điện thương mại vào năm 2033.

Với mục tiêu này, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí và SCU đã vạch ra lộ trình cụ thể từ khâu khảo sát, phương án đầu tư, phát triển trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu khoảng 1,2GW điện sạch từ Việt Nam sang Singapore thông qua tuyến cáp ngầm cao áp dưới biển với chiều dài gần 1.000 km.

Đại diện Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí và SCU cũng cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các công việc tiếp theo để sớm thực hiện thành công dự án.

Chia sẻ tại buổi làm việc, các cơ quan chức năng của Chính phủ Singapore khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí và đối tác SCU trong quá trình triển khai dự án. Đối với Chính phủ Singapore, dự án trên không chỉ góp phần giúp nước này sớm đạt được mục tiêu nhập khẩu 4GW điện sạch vào năm 2035 và đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, mà còn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương giữa Singapore và Việt Nam, hiện thực hóa quan hệ đối tác kinh tế số - kinh tế xanh giữa quốc gia..

Đáng chú ý, cũng trong chương trình làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đoàn công tác của Chính phủ Singapore đã thăm cơ sở hạ tầng của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí. Vừa qua, “ông lớn” ngành dầu khí đã tiến hành đầu tư mới 6 nhà xưởng đồng bộ để phục vụ cho các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi trên thế giới cũng như dự án nhập khẩu điện của Chính phủ Singapore. Với hệ thống cảng kết hợp nhà xưởng có diện tích lên đến hơn 200 ha, cùng cầu cảng dài 1.000m lớn nhất trong khu vực, doanh nghiệp đang sở hữu trang thiết bị, phương tiện hiện đại bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc thi công các công trình cơ khí và xây lắp biển.

Theo ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, chuyến thăm sẽ củng cố hơn nữa sự tin tưởng của Chính phủ Singapore trong việc lựa chọn Việt Nam là quốc gia cuối cùng trong mục tiêu nhập khẩu khoảng 4 GW điện sạch từ năm 2030 của nước này, trong đó Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong vai trò là nhà đồng đầu tư và phát triển Dự án.

Cần biết, trước đó, vào tháng 10/2023, Chính phủ Singapore đã trao Giấy phép nhập khẩu điện có điều kiện (Conditional Approval) cho liên doanh Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí và đối tác SCU, chính thức đưa dự án vào triển khai.

Có thể giành thêm hợp đồng điện gió ngoài khơi trị giá tới 1,1 tỷ USD

Dù mới thâm nhập lĩnh vực điện gió nhưng Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã xây dựng được vị thế khá vững chắc. Trong khi số lượng đối thủ cạnh tranh trong ngành hạn chế, uy tín và năng lực của doanh nghiệp này đã được khẳng định qua nhiều dự án xây lắp công trình dầu khí trên thế giới.

Đã có lộ trình cụ thể cho dự án xuất khẩu 1,2 GW điện gió sang Singapore của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS)
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có thể giành thêm hợp đồng điện gió ngoài khơi trị giá tới 1,1 tỷ USD

Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2024, lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí tiết lộ, doanh nghiệp đang tham gia đấu thầu một số hợp đồng xây lắp điện gió ngoài khơi với kỳ vọng sẽ giành được 1-2 hợp đồng trong thời gian tới với tổng giá trị ước tính từ 700 triệu USD - 1,1 tỷ USD (tương đương 350 - 500 triệu USD/dự án).

Được biết, trong năm 2023, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã hoàn thành việc chế tạo 2 Trạm biến áp dự án điện gió ngoài khơi Hải Long 2 & 3 cho khách hàng tại Đài Loan (Trung Quốc) và dự kiến sẽ bàn giao sản phẩm trong quý I/2024. Với việc ký mới các hợp đồng và được trao thầu khoảng 1,5 tỷ USD cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan và châu Âu, doanh nghiệp được đảm bảo việc làm đến năm 2027.

Lộ diện doanh nghiệp có khả năng trúng gói thầu Mỏ Lạc Đà Vàng trị giá 100 triệu USD

Theo các chuyên gia, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được kỳ vọng có thể giành được gói thầu trị giá 100 triệu USD tại ...

Kỳ vọng giành được gói thầu 100 triệu USD, cổ phiếu PTSC (PVS) đột biến thanh khoản

Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) được kỳ vọng có thể giành được gói thầu trị giá 100 ...

Một cổ phiếu dầu khí được khuyến nghị với kỳ vọng tăng giá tới 26%

Mới đây, MBS Research đã đưa ra khuyến nghị cho cổ phiếu PVS dựa trên các tiêu chí tài chính, kế hoạch kinh doanh của ...

Mai Chi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán