Ông Võ Quang Hiển không còn là thành viên HĐQT Eximbank |
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thông báo kể từ ngày 14/9 ông Võ Quang Hiển không còn là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank và thành viên/ủy viên các hội đồng/ủy ban trực thuộc Eximbank.
Phía ngân hàng cho biết lý do miễn nhiệm là ông Võ Quang Hiển không còn làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) tại Eximbank từ ngày 14/9.
Như vậy, HĐQT Eximbank chỉ còn 6 thành viên bao gồm Chủ tịch HĐQT Lương Thị Cẩm Tú, Thành viên HĐQT độc lập ông Đào Phong Trúc Đại và 4 thành viên HĐQT khác là bà Lê Hồng Anh, ông Nguyễn Thanh Hùng, ông Nguyễn Hiếu và bà Đỗ Hà Phương.
Ông Võ Quang Hiển sinh năm 1969, Giám đốc điều hành Bộ phận Tài trợ thương mại toàn cầu, Ngân hàng Sumitomo Mitsui – Chi nhánh Singapore. Từ năm 2017 đến năm 2019, ông Hiển giữ vị trí Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp tại Eximbank.
Ngày 15/2, SMBC cổ đông chiến lược, nắm giữ 15% vốn Eximbank đã đề cử ông Võ Quang Hiển tham gia vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2022 - 2025.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022 lần thứ hai, trả lời câu hỏi về việc cổ đông ngoại SMBC rút vốn khỏi Eximbank có làm xáo trộn đến hoạt động ngân hàng không, Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú cho biết hiện nay SMBC mới chỉ chấm dứt thoả thuận liên minh chiến lược chứ chưa rút vốn, SMBC vẫn là cổ đông lớn của Eximbank.
Về những xáo trộn thượng tầng trong thời gian qua, bà Tú cho hay các nhóm cổ đông trong HĐQT nhiệm kỳ VII đều hướng đến một mục tiêu chung liên quan đến chiến lược, hoạt động ngân hàng.
Trước đó, vào hồi tháng 3, SMBC đã công bố văn bản chính thức về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank. SMBC cho biết mặc dù chấm dứt hợp tác với Eximbank nhưng ngân hàng vẫn tiếp tục phát triển đầu tư vào thị trường Việt Nam qua các chi nhánh tại Hà Nội và TP HCM và việc rót vốn đầu tư vào công ty tài chính tiêu dùng FE Credit.
Chốt phiên cuối tuần (16/9) cổ phiếu EIB đứng tại 34.100 đồng/cổ phiếu |
Trên thị trường chứng khoán, 2 phiên gần đây cổ phiếu EIB của Eximbank phủ sắc tím cùng khối lượng giao dịch cao đột biến gấp hơn 6 lần bình quân 10 phiên gần nhất. Diễn biến này cũng đi ngược với thị trường nói chung và dòng ngân hàng nói riêng.
Mới đây, Eximbank đã nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua.
Theo phương án tăng vốn mà Đại hội đồng cổ đông thường niên của Eximbank đã thông qua tại đại hội năm 2022, ngân hàng sẽ phát hành 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ nhận được số cổ phần mới tối đa là 20 cổ phần. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận để lại năm 2017-2021.
Thông tin này đã mang lại sự hứng khởi cho các nhà đầu tư rất lớn bởi đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014 đến nay. Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên mức 14.814 tỷ đồng.
Hồng Giang