Đắk Lắk: Hướng đến thị trường đầu ra bền vững cho sầu riêng

10/07/2024 - 07:22
(Bankviet.com) Là vùng có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất Tây Nguyên, hiện Đắk Lắk đang tìm giải pháp hướng đến đầu ra bền vững cho mặt hàng tỷ đô này.
Sầu riêng đang đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản 6 tháng, xuất khẩu sầu riêng ước thu về 1,5 tỷ USD Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc: Những lưu ý về xu hướng thị trường Giá tiêu hôm nay 9/7/2024: Đà tăng chưa thấy điểm dừng, Tây Nguyên cao nhất 152.000 đồng/kg

Xuất khẩu tăng cả lượng và giá trị

Ông Nguyễn Hắc Hiển - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk - cho biết, theo số liệu thống kê, năm 2023 diện tích sầu riêng tỉnh Đắk Lắk là 32.785ha, tăng 10.326,4ha so với năm 2022; sản lượng đạt 281.350 tấn, tăng 93.364 tấn so với năm 2022. Đây cũng là địa phương là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn nhất vùng Tây Nguyên cũng như cả nước và có nhiều lợi thế để phát triển loại cây trồng này.

Đắk Lắk: Hướng đến thị trường đầu ra bền vững cho sầu riêng
Năm 2023, người dân huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) phấn khởi khi được mùa, trúng giá sầu riêng.

Hiện toàn tỉnh đã cấp 266 mã số vùng trồng với tổng diện tích 7.292ha (chiếm 79,8% diện tích trồng thuần và 46% so với diện tích cho sản phẩm). Trong đó có 68 mã số vùng trồng với diện tích 2.521ha đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và 198 vùng trồng với diện tích 4.771ha đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Trong 68 mã số vùng trồng được phê duyệt hầu hết do các tổ chức như doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đứng tên đại diện, duy nhất chỉ có một vùng trồng do cá nhân đại diện. Về cơ sở đóng gói, tỉnh Đắk Lắk có 23 cơ sở được cấp mã.

Những năm qua, giá sầu riêng trên thị trường luôn ở mức cao, nhất là từ giữa năm 2022, khi quả sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã đẩy giá sầu riêng tăng cao.

Dự báo năm 2024, diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk đạt 34.000 - 35.000ha, sản lượng dự kiến ước đạt trên 300.000 tấn.

Theo đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, trong vụ sầu riêng năm 2023, giá trị thu về của mỗi ha sầu riêng trên địa bàn tỉnh đạt từ 1-1,2 tỷ đồng; lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng/ha. Nhờ đó, đã giúp hàng nghìn hộ trồng sầu riêng, nhất là những hộ trồng từ 2-3 ha trở lên, mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng, góp phần làm thay đổi cuộc sống nhân dân, tỷ lệ hộ giàu tăng nhanh và đổi mới diện mạo nông thôn trong tỉnh.

Về xây dựng nhãn hiệu sầu riêng, tỉnh Đắk Lắk có 2 huyện được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là “Sầu riêng Krông Pắc” và nhãn hiệu “Sầu riêng Cư M’gar”. Có 2 huyện đang xây dựng đề án và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là Krông Búk và Ea H’Leo.

Qua công tác giám sát cho thấy cơ bản các vùng trồng, cơ sở đóng gói chấp hành tốt các yêu cầu như có quy trình sản xuất, quy trình quản lý dịch hại giám sát đối tượng mà phía Trung Quốc quan tâm, thực hiện việc ghi chép nhật ký canh tác,...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hắc Hiển nhận định, việc “tăng trưởng nóng” về diện tích, sản lượng sầu riêng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có biến động phát sinh của thị trường. Hiện vùng sản xuất sầu riêng còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; bên cạnh đó, một số huyện vẫn còn tình trạng người dân trồng sầu riêng trên những vùng đất chưa phù hợp, chưa đảm bảo nước tưới.

Năng lực quản trị, tổ chức sản xuất của một số HTX, tổ hợp tác còn yếu. Việc liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác chưa chặt chẽ, bền vững. Một số hộ dân tại vùng trồng chưa tuân thủ các quy trình như quy trình sản xuất, quy trình kiểm soát sinh vật gây hại và kỹ thuật thu hoạch sầu riêng… Tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, tranh mua, tranh bán vẫn còn xảy ra.

Một số vùng trồng chưa duy trì tốt các yêu cầu kỹ thuật như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và thu hoạch sầu riêng non dẫn đến trong thời gian qua một số lô hàng sầu riêng xuất khẩu đã có cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, đặc biệt là cảnh bảo về cadimi.

Chất lượng sẽ quyết định thương hiệu sầu riêng

Để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, bà Ngô Tường Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk – cho biết, Hiệp hội Sầu riêng sẽ tiếp tục chủ động xây dựng giải pháp cùng với HTX, doanh nghiệp thu mua giải quyết đầu ra cho sầu riêng bền vững, mang lại lợi ích cho người nông dân. Tăng cường truyền thông cho người dân về mô hình canh tác sầu riêng hiệu quả, tự bảo vệ chính mình, bảo vệ nguồn đất, diện tích canh tác, kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm... Đồng thời, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ danh sách mã số vùng trồng được kiểm tra sớm; cải thiện chuỗi liên kết, giải quyết tốt nguồn hàng sầu riêng, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Để phát huy hiệu quả ngành hàng sầu riêng, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ xây dựng và ban hành các quy trình chuẩn về canh tác, thu hoạch, sản xuất sầu riêng rải vụ, thích ứng biến đổi khí hậu theo các vùng sản xuất trọng điểm; rà soát, sửa đổi “TCVN 10739: 2015 - Sầu riêng quả tươi” và nâng cấp thành Quy chuẩn Việt Nam; trong đó bổ sung cụ thể chỉ tiêu hàm lượng chất khô, thời gian thu hoạch, quy cách thu hoạch cho phù hợp theo vùng, mùa vụ và các giống khác nhau, đảm bảo nâng cao chất lượng quả sầu riêng. Đồng thời, cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói và các chế tài xử lý vi phạm.

Chất lượng sẽ quyết định thương hiệu sầu riêng. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc của các Bộ, ngành chức năng, Đắk Lắk cần có thay đổi để thực thi vấn đề này, định hướng đầu tư cho khoa học công nghệ cho ngành hành mũi nhọn, hợp tác với Viện nghiên cứu tăng nguồn lực đầu tư nghiên cứu tình hình sâu hại dịch bệnh, tiêu chuẩn cho sầu riêng đáp ứng nhu cầu nông dân.

Thanh Hà

Theo: Báo Công Thương