Ngày 5/6/2021 vừa qua, Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 của Việt Nam đã chính thức ra mắt nhằm động viên mọi nguồn lực xã hội để tạo nguồn vắc-xin phòng chống đại dịch. Quỹ vắc-xin được ra đời trên cơ sở của việc khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện khó khăn do đại dịch COVID -19. Khi mà tình hình dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp thì đòi hỏi không chỉ cần thực hiện nghiêm các công tác phòng chống dịch hiệu quả trước đây - nguyên tắc 5K, mà còn phải thực hiện các giải pháp căn bản, chiến lược: đó là tiêm chủng vắc-xin. Đây được coi là giải pháp giúp đảm bảo thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Nhìn lại suốt thời gian qua, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương, giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” hết sức đúng đắn và hiệu quả. Điều đó đã và đang được khẳng định bằng kết quả thực tiễn mang lại về tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội; về hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu; về tín nhiệm Quốc gia và vị thế trên trường Quốc tế; về kiểm soát dịch bệnh trong cả năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021.
Trong thành quả chung đó, ngành Ngân hàng tự hào là một trong những ngành đã tích cực thực hiện và có đóng góp toàn diện vào việc thực hiện các giải pháp phòng chống đại dịch COVID-19 của Chính phủ. Từ việc ban hành, thực thi cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động ảnh hưởng của đại dịch, đến trực tiếp đóng góp tài chính cho Quỹ vắc xin phòng COVID-19; tăng cường các hoạt động đoàn thể, an sinh xã hội, chung tay với các lực lượng tuyến đầu chống dịch….
Có thể khẳng định Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị trong toàn ngành là một trong những bộ, ngành tiên phong đi đầu, tham gia tích cực các phong trào do Chính phủ và các tổ chức Mặt trận… phát động giúp kiến tạo động lực, góp phần khơi dậy, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, chia sẻ và giúp đỡ đồng bào các vùng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.
Những đóng góp của ngành Ngân hàng vào kết quả thực hiện mục tiêu kép của đất nước thể hiện trên các phương diện chính sau:
Thứ nhất, giải pháp phòng chống đại dịch COVID-19 của ngành Ngân hàng mang lại hiệu quả thiết thực bằng cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đây là giải pháp có tính hành chính, song việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo cơ chế chính sách để tác động và điều chỉnh đã mang lại hiệu quả ổn định rất lớn khi nền kinh tế, doanh nghiệp gặp khó khăn, bởi sự phù hợp, kinh nghiệm và khoa học của biện pháp này, đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu về hỗ trợ doanh nghiệp: nhanh chóng, kịp thời.
Đơn cử như trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp theo cơ chế thông tư 01, thông tư 03 đã cơ cấu lại nợ; miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp đạt trên triệu tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, người tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất; giảm áp lực trả nợ vay, từ đó phục hồi, ổn định và tăng trưởng, góp phần vào tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội thành phố trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến thị trường, đến doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Thứ hai, biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, thiết thực qua việc Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị trong toàn ngành đã đóng góp tài chính cho Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 với tổng số tiền 697,5 tỷ đồng, góp phần cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu phòng chống dịch COVID-19 bền vững. Tính tới thời điểm hiện tại, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Ngân hàng đã dành hơn 1.300 tỉ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống COVID-19.
Thứ ba, phát động và triển khai thực hiện nhiều hoạt động và phong trào thiết thực thông qua các tổ chức công đoàn, đoàn Thanh niên trong toàn ngành Ngân hàng….Với tinh thần đồng hành cùng vượt khó, mỗi cán bộ nhân viên trong ngành Ngân hàng một mặt luôn nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, một mặt sẵn sàng sẻ chia, sát cánh cùng các lực lượng y tế nơi tuyến đầu chống dịch thông qua việc đóng góp về tài chính, hỗ trợ các trang thiết bị, phương tiện y tế đến việc cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, các đối tượng gặp khó khăn chịu tác động của đại dịch.
Phát huy truyền thống tự hào của ngành trong suốt chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, tập thể cán bộ nhân viên ngành Ngân hàng quyết tâm đồng lòng đoàn kết, năng động, sáng tạo nỗ lực hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao và khẳng định hơn nữa dấu ấn của ngành trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Nguyễn Đức Lệnh
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ