Dầu khí Nam Sông Hậu báo lỗ quý thứ 4 liên tiếp, cổ phiếu PSH bật tăng 28% chỉ sau 4 phiên

02/11/2024 - 19:01
(Bankviet.com) Doanh thu giảm mạnh, trong khi đó chi phí tài chính lại gia tăng là nguyên nhân chủ yếu khiến Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HOSE: PSH) ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong quý 3/2024.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2024 vừa được công bố, Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HOSE: PSH) ghi nhận mức sụt giảm đáng kể về doanh thu khi chỉ thu về 94 tỷ đồng, giảm tới 90% so với cùng kỳ năm trước. Việc kinh doanh dưới giá vốn đã khiến công ty lỗ gộp 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gộp đạt hơn 108 tỷ đồng.

Dầu khí Nam Sông Hậu báo lỗ quý thứ 4 liên tiếp, cổ phiếu PSH bật tăng 28% chỉ sau 4 phiên
Trái ngược lại với kết quả kinh doanh ảm đạm, cổ phiếu PSH trên thị trường chứng khoán lại đang dậy sóng với nhiều phiên tăng mạnh.

Các chi phí cũng gia tăng mạnh mẽ, trong đó chi phí tài chính của PSH ở mức 102 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng vọt lên 23 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với quý 3/2023. Thêm vào đó, các khoản lỗ khác của PSH trong quý này là 22 tỷ đồng, cao gấp hơn 5 lần cùng kỳ, khi khoản lỗ này chỉ dừng ở mức 4 tỷ đồng.

Tổng hợp các yếu tố trên đã đẩy PSH vào khoản lỗ ròng lên tới 172 tỷ đồng trong quý 3/2024, trong khi cùng kỳ công ty vẫn đạt lãi 13 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ tư liên tiếp công ty báo lỗ, bắt đầu từ quý 4/2023.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của PSH chỉ đạt 619 tỷ đồng, giảm tới 88% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời công ty lỗ ròng 540 tỷ đồng. Từ mức lãi lũy kế 257 tỷ đồng vào đầu năm, công ty đã chuyển sang lỗ lũy kế hơn 282 tỷ đồng tính đến cuối quý 3.

Tổng tài sản của PSH đến cuối tháng 9 đạt gần 10.800 tỷ đồng, tương đương đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt gần 6.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Đáng chú ý, tiền mặt của công ty giảm mạnh, chỉ còn 6 tỷ đồng, bằng 1/6 so với đầu năm, và tiền gửi chỉ còn 10 triệu đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng của PSH cũng giảm 13%, còn 936 tỷ đồng. Tuy nhiên, hàng tồn kho của công ty tăng lên 4.700 tỷ đồng, phần lớn là hàng hóa và thành phẩm. Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn có sản phẩm để kinh doanh nhưng đang gặp khó khăn lớn, làm doanh thu sụt giảm mạnh.

Tại thời điểm cuối tháng 9, tổng nợ phải trả của PSH ở mức 9.700 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm hơn 7.700 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn cho thấy rủi ro thanh khoản đáng lo ngại của doanh nghiệp.

Nợ vay của PSH lên tới gần 5.500 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm, chủ yếu đến từ hai khoản vay lớn từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Điều này đồng nghĩa với việc áp lực tài chính đang đè nặng lên doanh nghiệp, trong khi nguồn thu chưa có dấu hiệu hồi phục.

Trái ngược lại với kết quả kinh doanh ảm đạm, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PSH lại đang dậy sóng với nhiều phiên tăng mạnh trong thời gian gần đây. Cụ thể, liên tục trong 4 phiên giao dịch từ 29/10 đến 1/11, cổ phiếu PSH đã có tới 3 trên tổng số 4 phiên bật tăng kịnh trần, phiên còn lại cũng tăng tới 4,01%. Theo đó, chốt phiên giao dịch ngày 1/11, thị giá cổ phiếu PSH đang dừng ở mức 3.850 đồng/cp, tăng tới 28% chi sau 4 phiên.

HAGL Agrico kéo dài chuỗi thua lỗ lên 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico vừa công bố báo cáo tài chính quý 3, tiếp tục chuỗi thua lỗ lên 14 quý liên tiếp. Doanh thu thuần giảm ...

Chuyển hướng sang xe điện nhưng không thuận lợi, Ô tô TMT báo lỗ quý thứ hai liên tiếp

Quý III/2024, Ô tô TMT ghi nhận doanh thu sụt giảm 21% còn 355 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm gần 93 tỷ đồng. ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán