Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố báo cáo kết quả mua trái phiếu trước hạn của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Khu công nghiệp EIP. Theo đó, vào ngày 30/5, Đầu tư phát triển Khu công nghiệp EIP đã mua lại toàn bộ 551,46 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã EIPCH2125001, đưa dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp về mức 0 đồng.
Kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Khu công nghiệp EIP |
Lô trái phiếu EIPCH2125001 được phát hành vào ngày 25/6/2021, đáo hạn ngày 25/6/2025, với lãi suất phát hành 9,5%/năm và khối lượng phát hành theo mệnh giá đạt 1.010 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn thu được từ đợt phát hành trái phiếu này được sử dụng để đầu tư vào Khu công nghiệp Quế Võ III.
Dự án Khu công nghiệp Quế Võ III ban đầu được giao cho Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) làm chủ đầu tư vào năm 2008. Đến tháng 9/2015, Dabaco thành lập Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Khu công nghiệp EIP với vốn điều lệ 628 tỷ đồng, đồng thời chuyển mọi tài sản liên quan đến dự án này sang cho EIP, biến EIP trở thành doanh nghiệp thực hiện dự án.
Ngày 3/2/2016, Dabaco đã ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn góp của EIP cho Công ty CP Đầu tư Phát triển VID Thanh Hóa, một thành viên trong hệ sinh thái Tập đoàn TNG Holdings. Năm 2016, EIP đã thế chấp các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị quyền sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật trên đất từ dự án Khu công nghiệp Quế Võ III giai đoạn I theo Hợp đồng thuê đất ký với UBND tỉnh Bắc Ninh.
Đến năm 2018, EIP tiếp tục sử dụng lợi tức từ việc kinh doanh khai thác giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất tại Dự án Đầu tư Khu đô thị và dịch vụ Khu công nghiệp Quế Võ III để thế chấp khoản vay ngân hàng.
Khu Công nghiệp Quế Võ III (TP. Bắc Ninh) |
Gần đây nhất, vào ngày 30/5/2024 (ngày EIP mua lại trước hạn 551,46 tỷ đồng), doanh nghiệp này đã thế chấp quyền tài sản là phần diện tích đất xây dựng nhà máy 88,38 ha chưa cho thuê thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Quế Võ III – Giai đoạn I cùng các quyền đòi nợ, khoản phải thu, và quyền yêu cầu thanh toán khác để vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, giá trị khoản vay không được công bố.
Về tình hình kinh doanh, năm 2023, EIP ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 387 triệu đồng, giảm 61,1% so với năm trước (năm 2022 lãi 994 tỷ đồng). Tính đến ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của EIP đạt 1.004 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 3,46 lần lên 3,58 lần, tương ứng với nợ phải trả gần 3.595 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu là hơn 552 tỷ đồng.
Nỗ lực tất toán trái phiếu, Xây dựng Kiến Trúc AA (AA Corporation) báo lãi ròng "giảm sốc" 26 lần Bên cạnh tình hình tài chính "lao đao", Xây dựng Kiến Trúc AA còn nợ BHXH và vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi ... |
Đầu tư I.P.A muốn phát hành lô trái phiếu "4 không" để trả nợ Công ty CP Đầu tư I.P.A (HNX: IPA) đang là cổ đông lớn nhất tại Chứng khoán VNDirect (VND) với tỷ lệ sở hữu lên ... |
Vinaconex (VCG): Chi hàng trăm tỷ mua lại trái phiếu trước hạn, nhóm Dragon Capital giảm sở hữu xuống dưới 5% Ngày 5/6/2024, Vinaconex (VCG) đã tiến hành mua lại trước hạn 200 tỷ đồng lô trái phiếu VCGH2124011 (trị giá 2.500 tỷ đồng). Cũng tại ... |
Tuấn Khải