Ngày 26/12/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức phiên đấu giá lô cổ phần của Tổng công ty Thăng Long – CTCP (TTL) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu, với giá khởi điểm hơn 222,6 tỷ đồng. Động thái thoái vốn này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ nhà đầu tư, trong bối cảnh các cổ phiếu liên quan đến thoái vốn nhà nước liên tục có những màn tăng giá ấn tượng trên thị trường.
Ảnh minh họa |
Trước thông tin SCIC thoái vốn, cổ phiếu TTL đã có chuỗi 6 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 5/12 đến 13/12/2024, đẩy thị giá từ 7.900 đồng/cp lên 14.900 đồng/cp, tăng hơn 88%. Diễn biến này phản ánh kỳ vọng lớn của nhà đầu tư về cơ hội mới cho doanh nghiệp sau quá trình tái cấu trúc vốn. Dù vậy, kỳ vọng này cũng mang tính thách thức, khi đợt thoái vốn trước đó của TTL từng "ế ẩm".
Không chỉ TTL, các doanh nghiệp khác có liên quan đến kế hoạch thoái vốn nhà nước cũng thu hút sự chú ý của thị trường. Đáng kể nhất là hai công ty con của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) – Thép Vicasa (VCA) và RedStarCera (TRT), đã ghi nhận đà tăng giá ngoạn mục trong thời gian gần đây.
Tháng 11/2024, VNSteel thông qua kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại Vicasa và RedStarCera, dự kiến thu về ít nhất 366 tỷ đồng. Cụ thể, VNSteel sẽ bán 2,2 triệu cổ phiếu TRT (chiếm 20,05% vốn điều lệ) và 9,87 triệu cổ phiếu VCA (tương đương 65% vốn điều lệ).
Thông tin này đã kích hoạt làn sóng tăng giá mạnh mẽ trên thị trường. Cổ phiếu VCA có 11 phiên tăng trần liên tiếp, từ 8.500 đồng/cp ngày 27/11 lên 17.600 đồng/cp vào ngày 12/12, tăng 114% chỉ trong hơn hai tuần. Với TRT, thị giá cũng bật khỏi mốc 12.000 đồng lên 24.800 đồng/cp, tương đương mức tăng hơn 106%. Sự bứt phá của hai mã này cho thấy sức hút lớn từ "game" thoái vốn.
Một điểm đáng chú ý là cả VCA và TRT đều có cơ cấu cổ đông cô đặc, thanh khoản thường rất thấp. Chỉ khi giá tăng mạnh, khối lượng giao dịch mới cải thiện lên vài chục nghìn cổ phiếu mỗi phiên, nhưng lượng cổ phiếu được đặt mua giá trần vẫn luôn áp đảo.
Không nằm ngoài làn sóng tăng giá, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt cũng đã có đà tăng mạnh mẽ. Chỉ trong 3 phiên giao dịch cuối tháng 11 và đầu tháng 12, BVH tăng hơn 17%, đạt 52.100 đồng/cp, mức cao nhất trong hơn hai năm. Vốn hóa thị trường của Bảo Việt cũng tăng lên xấp xỉ 39.000 tỷ đồng, cao hơn 35% so với đầu năm 2024.
Dù động lực ngắn hạn được cho là do việc chốt danh sách nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 10,037%, nhưng giới phân tích cho rằng đà tăng mạnh của BVH chủ yếu xuất phát từ kỳ vọng thoái vốn nhà nước.
Theo thông tin từ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Bảo Việt đang xây dựng kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, dự kiến thực hiện từ năm 2026 trở đi. Hiện tại, Bộ Tài chính nắm giữ hơn 65% vốn, tương đương 482,5 triệu cổ phiếu, trong khi SCIC sở hữu 22,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3%).
Việc thoái vốn nhà nước không chỉ mang lại lợi ích tái cấu trúc doanh nghiệp mà còn tạo động lực cho thị trường chứng khoán phát triển. Các doanh nghiệp như TTL, VCA, TRT, hay BVH đều là minh chứng cho hiệu ứng tích cực mà thoái vốn mang lại, khi nhà đầu tư kỳ vọng vào sự cải thiện minh bạch, hiệu quả và sức hấp dẫn của các công ty sau khi giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước.
Cổ phiếu VCA tăng sốc rồi lại giảm sâu, đâu là nguyên nhân? Sau chuỗi 11 phiên liên tiếp tăng trần, cổ phiếu VCA quay đầu giảm mạnh với 4 phiên nằm sàn liên tiếp. Diễn biến bất ... |
Fed giảm lãi suất thêm 0,25%, duy trì tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát Fed cắt giảm lãi suất 0,25%, đưa mức lãi suất về 4,25% - 4,5% và phát tín hiệu thận trọng trong năm 2025. Tăng trưởng ... |
Chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh khi Fed kết thúc cuộc họp cuối năm Thị trườngchứng khoán Mỹ giảm sâu trong phiên giao dịch ngày thứ Tư khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu tiếp ... |
Nguyên Nam