Doanh nghiệp khó tiếp cận "kho tiền" của ngân hàng, vì đâu?

13/10/2023 - 02:27
(Bankviet.com) Tại các ngân hàng, tiền gửi của người dân vọt đang tăng lên ở mức cao nhất từ trước tới nay, song lượng tiền cho vay lại "nhỏ giọt", tạo nên khung cảnh đối lập trong nền kinh tế.
Doanh nghiệp khó tiếp cận
Hội nghị toàn quốc hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023”, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Mới đây, tại “Hội nghị toàn quốc hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023”, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo cho biết những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp đang gặp phải là tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, tình hình thị trường bị thu hẹp với khó khăn trong tìm kiếm khách hàng và tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn kéo dài.

Theo khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng là 49,4%; năm 2018 và 2019, lần lượt là 45% và 43%; năm 2020, dù trong bối cảnh dịch COVID-19 bắt đầu nhưng vẫn có 42,9% DN đang có khoản vay từ các ngân hàng.

Tuy nhiên, năm 2021 chỉ còn 35,4% DN; và năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay ngân hàng đã giảm đáng kể xuống con số 17,8%.

Việc tiếp cận tín dụng là khó khăn chung của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, song các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ đang là nhóm khó tiếp cận tín dụng hơn cả trong năm 2022. Với nhóm các doanh nghiệp có quy mô vốn từ 3 tỷ đồng trở xuống, tỷ lệ doanh nghiệp đang tiếp cận tín dụng chỉ là 11,3%, thấp hơn đáng kể so với các nhóm còn lại.

Nhận biết được những khó khăn của doanh nghiệp, trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành một số chính sách và các chương trình quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp, một trong những chương trình hỗ trợ tín dụng quan trọng cho doanh nghiệp là gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp rất mong chờ gói hỗ trợ này để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhằm khôi phục sản xuất, vượt qua khó khăn do dịch COVID- 19, nhưng kết quả điều tra cho thấy, 29,5% DN có biết tới chương trình này song chỉ khoảng 2% DN cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2% và có tới 56,7% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp An Giang, qua 2 năm đại dịch, doanh nghiệp hầu như không còn tài sản để thế chấp. Trong khi đó, một số ngân hàng tăng lãi suất cho vay. Doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp cận vốn, phải vay tín dụng đen, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chi phí nguyên liệu, vận chuyển tăng liên tục vì nhiên liệu xăng dầu luôn biến động khiến đầu vào tăng cao. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải tìm cách tiết giảm nhiều chi phí, không dám vay ngân hàng bởi chi phí lãi vay là gánh nặng rất lớn.

Trong khi các doanh nghiệp đang “khát vốn” thì các ngân hàng lại thừa tiền”. Nghịch lý là ngân hàng đang "đỏ mắt" tìm khách tốt để cho vay với lãi suất thấp nhưng không thấy đâu, còn khách hàng sẵn sàng vay thì ngân hàng không dám giải ngân vì sợ rủi ro.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng, đây là mức cao kỷ lục.

Dữ liệu về tiền gửi của người dân đổ vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục cho thấy các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, vàng… hiện không còn sức hấp dẫn quá lớn trong mắt các nhà đầu tư.

Điều này lý giải tại sao dù lãi suất huy động luôn duy trì xu hướng giảm trong phần lớn thời gian kể từ đầu năm 2023 nhưng kỷ lục về tiền gửi của dân cư vào hệ thống các ngân hàng liên tục bị xô đổ.

Kể từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động bình quân đã giảm khoảng 2%. Thậm chí lãi suất tiền gửi chỉ còn ở mức 3%/năm. Cụ thể, Hongleong Bank niêm yết mức lãi suất 3%/năm ở kỳ hạn 3 tháng. Cũng ở kỳ hạn này, nhóm Big4 gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank niêm yết chỉ từ 3,3 - 3,5%/năm.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm.

Với việc tín dụng tăng trưởng chậm, huy động vốn nhưng không cho vay được, các ngân hàng thương mại cũng đang chịu áp lực "tồn kho", cần bơm vốn ra nền kinh tế.

Tuy nhiên, dù lãi suất cho vay đã về mức phổ biến từ 7,5 - 8,5%/năm, giảm mạnh so với cách nay mấy tháng, nhưng phần lớn các doanh nghiệp chưa mặn mà vay do nhiều nguyên nhân.

Ngân hàng ABBank huy động thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu

Đây là đợt phát hành trái phiếu thứ 3 của ABBank trong năm 2023. Trước đó vào các ngày 25/8 và 28/8, ABBank đã phát ...

VPBank sẵn sàng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo VPBank khẳng định việc tham gia tiếp quản bắt buộc một ngân hàng. Tuy nhiên, VPBank chưa tiết ...

Ngân hàng ACB dự kiến phát hành thêm 5.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ lần 2

Ngày 11/10, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có công bố liên quan đến việc Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) phát ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán