Doanh thu vượt ngưỡng 11.000 tỷ đồng, Ricons bỏ xa kế hoạch năm

04/02/2023 - 02:50
(Bankviet.com) Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) là doanh nghiệp xây dựng hiếm hoi đạt mức tăng trưởng dương về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022.

'Nhọc nhằn' của Coteccons: Thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác, nợ vay tăng 'dựng đứng' hàng trăm lần

Giá vốn tăng cao, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh

Sau quý III bứt tốc (doanh thu tăng 84%, lợi nhuận tăng gần 5 lần), quý IV/2022, tình hình kinh doanh của Ricons có dấu hiệu chững lại. Doanh thu thuần quý IV biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.028 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn tăng cao nên lợi nhuận gộp giảm 36,4%, còn 32,6 tỷ đồng. Biên lợi nhuận vốn đã thấp lại giảm thêm 0,6 điểm % so với cùng kỳ, còn vỏn vẹn 1%.

Quý này, hoạt động tài chính là điểm sáng khi doanh thu tăng gấp ba lần, đạt 24 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty có thêm 7,8 tỷ đồng lợi nhuận khác. Tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ trang trải cho sự gia tăng của các loại chi phí, cụ thể: chi phí tài chính tăng 6 lần, đạt 12 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh thêm 2 tỷ đồng, đạt 41 tỷ đồng.

Bởi vậy, khép lại quý IV, Ricons chứng kiến lợi nhuận trước thuế sụt giảm 55% so với cùng kỳ năm trước, còn 12 tỷ đồng.

Ricons
Trong bối cảnh ngành xây dựng năm 2022 vô cùng khó khăn, Ricons là doanh nghiệp hiếm hoi tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận. Ảnh minh hoạ

Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần của Ricons tăng 41% so với cùng kỳ năm trước, đạt 11.384 tỷ đồng - vượt kế hoạch 10.000 tỷ đồng đề ra trong năm 2022, cũng là doanh thu cao nhất lịch sử của doanh nghiệp xây dựng này.

Dù doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng do giá vốn tăng cao nên lợi nhuận gộp giảm 12%, còn 206 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm thêm 1 điểm % so với năm trước, chỉ còn 1,8%.

Biên lợi nhuận gộp là một điểm trừ của Ricons khi vốn thấp lại có xu hướng giảm. Chẳng hạn, giai đoạn 2016 - 2020, khi còn đồng hành cùng Coteccons, Ricons duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức 6,3% - 5,4%. Tuy nhiên, sau khi tách khỏi Coteccons, biên lợi nhuận gộp giảm rất mạnh, chỉ đạt 2,8% vào năm 2021, sang đến năm 2022 còn vỏn vẹn 1%.

Năm 2022, nhờ có thêm 21 tỷ đồng cổ tức lợi nhuận được chia cùng lãi tiền gửi ngân hàng tăng nên doanh thu tài chính của Ricons tăng gấp đôi so với năm trước, đạt 73 tỷ đồng. Song, chi phí tài chính cũng tăng cực mạnh 11 lần, đạt 24 tỷ đồng. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp giữ nguyên ở mức 161 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhờ có thêm khoản lợi nhuận khác 23 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Ricons vẫn tăng trưởng 5,5%, đạt 115 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 14%, đạt 91 tỷ đồng. Với kết quả này, Ricons đã vượt xa tham vọng doanh thu và cơ bản hoàn thành mục tiêu lợi nhuận.

Nợ vay có xu hướng tăng

Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Ricons tăng 31,5%, đạt 8.194 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền tăng thêm 500 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 808 tỷ đồng. Thêm nữa, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng tăng gấp đôi, đạt 598 tỷ đồng; trong đó có 264 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, còn lại là trái phiếu có kỳ hạn dưới 1 năm.

Một điều đáng chú ý trong cơ cấu tài sản của Ricons là tỷ trọng các khoản phải thu ngắn hạn có xu hướng giảm, chiếm 57% tổng tài sản (đạt 4.646,5 tỷ đồng) (năm 2018, tỷ trọng này là 74%, 2019 là 81%, 2020 là 69% và 2021 là 80%).

Thêm nữa, giá trị phải thu lại tập trung ở khoán mục “phải thu ngắn hạn của khách hàng” (4.260 tỷ đồng) - khoản mục ghi nhận phần việc Ricons đã hoàn thành, đã lập hoá đơn, chỉ chờ khách hàng thanh toán. Dù năm 2022, Ricons xuất hiện 19,6 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi, song tỷ trọng không đáng kể; trong khi nhiều doanh nghiệp xây dựng khác lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết thúc năm 2022 là 5.786 tỷ đồng, tăng 49% so với tuần năm. Trong cơ cấu nợ phải trả của Ricons, chiếm hơn 66% là khoản phải trả (phải trả người bán ngắn hạn và người mua trả tiền trước ngắn hạn), đạt 3.818 tỷ đồng. Về bản chất, đây là khoản tiền/giá trị doanh nghiệp chiếm dụng được của đối tác.

Một điểm đáng nói là doanh nghiệp xây dựng từng có truyền thống không vay nợ này hiện có xu hướng gia tăng vay mượn. Tại ngày kết thúc quý IV/2022, nợ vay ngắn hạn của Ricons đã tăng gấp ba lần so với đầu năm, đạt 754 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đã tăng từ 1,6 lần lần 2,4 lần.

Về dòng tiền, nhờ tăng mạnh các khoản phải trả (1.388 tỷ đồng) nên dòng tiền kinh doanh năm 2022 của Ricons khá đẹp khi dương 264 tỷ đồng (cùng kỳ âm 767 tỷ đồng). Trong năm, doanh nghiệp đi vay 1.195 tỷ đồng và trả nợ gốc vay 681 tỷ đồng (cùng kỳ không ghi nhận khoản này) nên dòng tiền tài chính dương 496 tỷ đồng. Lưu chuyển thuần trong năm dương 508 tỷ đồng, giúp lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ tăng mạnh, đạt 808 tỷ đồng.

Hải Thu

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán