Dự án Lô B - Ô Môn: “Luồng gió mới” thổi vào ngành khai thác dầu khí

27/07/2023 - 23:41
(Bankviet.com) Dự án chuỗi phát triển, khai thác và vận chuyển khí Lô B – Ô Môn chuẩn bị đưa vào hoạt động hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thuận lợi trong hoạt động khai thác dầu khí phục vụ nhiệt điện.
Dự án Lô B - Ô Môn: “Luồng gió mới” thổi vào ngành khai thác dầu khí
Dự án Lô B – Ô Môn được xem là “luồng gió mới” thổi vào ngành khai thác dầu khí

“Luồng gió mới”

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết Lô B – Ô Môn là dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí, được triển khai với mục đích khai thác, vận chuyển khí từ các mỏ khí thượng nguồn tại Lô B&48/95 và Lô 52/97 đến các nhà máy nhiệt điện khí ở hạ nguồn.

Dự án có chi phí đầu tư khoảng 11 tỷ USD (tương đương 260.000 tỷ đồng), trữ lượng thu hồi dự kiến là 3,78 tỷ bộ khối (khoảng 107 tỷ m3) và 12,65 triệu thùng condensate. Lô B – Ô Môn dự kiến được “khai trương” vào cuối năm 2026, vòng đời dự án là 23 năm.

Sau khi đưa vào hoạt động, dòng khí từ các mỏ Lô B sẽ được vận chuyển qua đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn đến các đơn vị tiêu thụ hạ nguồn gồm 4 nhà máy điện là Ô Môn 1, 2, 3, 4 ở Cần Thơ, sản lượng khai thác ước tính là 5 tỷ m3/năm.

Lô B – Ô Môn là dự án nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ Đảng, Chính phủ và nằm trong chương trình giám sát của Quốc hội. Trong bối cảnh thủy điện và nhiệt điện than trong nước đang gặp nhiều khó khăn, nhiệt điện khí được kỳ vọng sẽ tạo ra “đột phá” cho điện lực Việt Nam trong thời gian tới và dự án Lô B – Ô Môn sẽ đóng vai trò quan trọng.

Đối với ngành dầu khí, dự án Lô B – Ô Môn là "luồng sinh khí" cho các doanh nghiệp hoạt động trên cả 3 nhóm thượng nguồn - trung nguồn và hạ nguồn. Trong đó, nhóm thượng nguồn có quy mô đầu tư lớn nhất (7 tỷ USD), bao gồm 1 giàn xử lý trung tâm CPP, 43 giàn đầu giếng WHP, 1.000 giếng khai thác và 1 FSO.

Ở nhóm trung nguồn (đầu tư 1,3 tỷ USD), quy mô khai thác dựa trên đường ống dài hơn 400 km, tính cả trên bờ lẫn ngoài biển), còn nhóm hạ nguồn (3 - 4 tỷ USD) là nhóm nhận thành quả khai thác, gồm có 4 nhà máy nhiệt điện khí.

Theo tìm hiểu, sản lượng khai thác dầu khí tại Việt Nam đã liên tục “hao hụt” từ năm 2015 đến nay do nguồn cung từ các dự án thượng nguồn lớn giảm. Trong giai đoạn 2022 - 2030, theo Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt, điện khí (LNG và khí từ các mỏ trong nước) sẽ ngày càng quan trọng với công suất tăng dần từ 7,2 GW lên 373 GW (tăng 14,4%).

Trong khi đó, dự kiến đến năm 2030, thủy điện và nhiệt điện than sẽ được cắt giảm khoảng 10%, nhiệt điện khí trong nước và nhiệt điện LNG sẽ được tăng cường. Nhìn chung, “nhân tố mới” LNG được chú trọng hơn cả.

Dự án Lô B - Ô Môn: “Luồng gió mới” thổi vào ngành khai thác dầu khí
Cơ cấu nguồn điện theo Quy hoạch điện 08

Doanh nghiệp nào hưởng lợi nhất?

Ở nhóm thượng nguồn, dự án Lô B – Ô Môn dự kiến giúp 4 doanh nghiệp hưởng lợi, bao gồm Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVC), Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu Khí (PVD) và Công ty CP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PXS).

Với nhóm trung nguồn, 2 doanh nghiệp hưởng lợi bao gồm Công ty CP Bọc ống dầu khí Việt Nam (PVB) và Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS). Nhóm hạ nguồn còn lại, lợi ích thuộc về 2 doanh nghiệp là PVS và PXS.

Theo đánh giá của các chuyên gia, 3 “ông lớn” hưởng lợi lớn nhất từ dự án lần lượt gọi tên Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu Khí (PVD) và Công ty CP Bọc ống dầu khí Việt Nam (PVB).

Dẫn đầu về lợi ích trong dự án Lô B thuộc về “anh cả” PVS khi doanh nghiệp này có mảng M&C, dự tính sẽ nhận được lượng backlog “khủng”. Với kinh nghiệm dày đặc trong thi công kho cảng và bể chứa LNG Thị Vải, PVS có thể tham gia vào nhiều dự án LNG khác. Hơn nữa, việc PVS cung cấp FSO cho dự án cũng chứa đựng rất nhiều tiềm năng.

Kết thúc quý I/2023, PVS ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.703 tỷ đồng, giảm nhẹ 60 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 227 tỷ đồng, giảm 10% so với quý I/2022. Theo dự phóng của các chuyên gia, năm 2023 lợi nhuận sau thuế của PVS đạt 1.012 tỷ đồng (tăng khoảng 14%).

Tiếp nối PVS là doanh nghiệp PVD với cơ hội tham gia vào các chiến dịch khoan của dự án từ cuối năm 2025. Dự án này hứa hẹn sẽ “tạo công ăn việc làm” cho doanh nghiệp một cách liên tục trong nhiều năm với số lượng dự kiến hơn 1.000 giếng khai thác.

Kết thúc quý I/2023, PVD có doanh thu thuần đạt 1.226 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 52 tỷ đồng, tạo “bước nhảy ngoạn mục” kéo doanh nghiệp lên sau khi báo lỗ 75 tỷ đồng vào quý I/2022.

Dự phóng năm 2023, lợi nhuận sau thuế của PVD đạt 321 tỷ đồng, tăng trưởng dương so với mức lỗ 103 tỷ đồng của năm 2022. Nhờ giá thuê giàn JU trên thị trường tăng mạnh, công suất hoạt động gần như tuyệt đối nên PVD có thể tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2024.

Doanh nghiệp hưởng lợi nhiều thứ 3 trong “dự án vàng” này là PVB với cơ hội giành được hợp đồng cung cấp dịch vụ bọc ống cho đường ống lô B dài hơn 400km, giá trị ước tính khoảng 100 triệu USD. Công việc bọc ống sẽ được hoàn thiện trước khi có dòng khí đầu tiên.

Quan sát báo cáo tài chính quý II/2023, PVB đang dần “hồi phục” sau khi báo lỗ 7,2 tỷ đồng trong quý I. Doanh thu thuần của PVB đạt 52 tỷ đồng, tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đã không còn âm, đạt 1,3 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PVB đạt 53 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của 2 quý ở mức âm 5,8 tỷ đồng do ảnh hưởng nặng nề từ khó khăn của quý I.

Nếu chưa tính lợi nhuận từ dự án Lô B thì đến nay, PVB đã hoàn thành 27% chỉ tiêu doanh thu (190 tỷ đồng) và đang bị “bỏ xa” so với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (2 tỷ đồng).

Năm 2023, sản lượng thủy điện giảm mạnh do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Hơn nữa, hiện tượng El Nino quay lại “hoành hành” khiến nhiệt độ tăng cao, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng “đột biến”. Do đó, nhiệt điện khí có thể sẽ ghi nhận tình trạng huy động tích cực hơn với 12% tổng tỷ trọng nhờ thủy điện thoái trào và giá khí đầu vào hạ nhiệt.

Theo VNDirect, giá khí giảm theo đà giảm của giá dầu Singapore FO là tín hiệu tích cực, hỗ trợ cho ngành nhiệt điện khí. Trong khi đó, khoảng cách giá điện khí và điện than đang được thu hẹp dần do giá than hiện tại đang neo cao hơn nhiều so với quá khứ nên giá bán điện khí có tính cạnh tranh hơn. Đồng thời, điện khí vẫn đóng vai trò quan trọng, là nguồn điện chạy nền đảm bảo tính đầy đủ của hệ thống.

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán