Giá cà phê xuất khẩu biến động, cà phê Arabica ngược chiều tăng Giá cà phê xuất khẩu diễn biến trái chiều, cà phê Robusta giằng co |
Chốt phiên giao dịch tuần này (10/5) không đồng nhất, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 tăng 1 USD, giao dịch tại 3.440 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 giảm 2 USD giao dịch tại 3.362 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York điều chỉnh giảm nhẹ, kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 giảm 0,30 Cent, giao dịch tại 201,15 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2024 giảm 0,05 Cent, giao dịch tại 199,95 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Tổng kết tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 101 USD. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7 giảm 0,55 cent. Giá cà phê nội địa mất trung bình 1.500 đồng/kg. So với tuần trước đà giảm đã được kìm hãm tương đối.
Giá cà phê trong nước sau những phiên liên tục điều chỉnh, rồi ổn định vào cuối tuần, hiện đang giao dịch trong khoảng 98.500 - 99.500 đồng/kg
Xuất khẩu cà phê tháng 4 của Việt Nam giảm sụt tới 19,5% so với cùng kỳ năm trước, nằm ở mức 152.073 tấn |
Đà giảm của cà phê tuần này là điều đã được các chuyên gia dự báo trước, khi đầu cơ tiếp tục bị bán tháo để chốt lời, và những thông tin tồn kho tăng trên 2 sàn, thời tiết tốt lên tại những vùng trồng cà phê trọng điểm ở Việt Nam và Brazil góp phần kéo giảm giá cà phê.
Điểm tích cực trong tuần là chuỗi 3 ngày tăng gần đây. Tin tức nhận định lượng mưa không đủ ở Việt Nam và Brazil có thể dẫn đến sản lượng cà phê giảm sụt đã hỗ trợ cho giá.
Theo Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, tổng lượng mưa tháng này tại tỉnh Đắk Lắk, vùng trồng cà phê trọng điểm của Việt Nam, có khả năng thấp hơn 50% so với năm ngoái. Tại Brazil, hoạt động thu hoạch cà phê Robusta đang diễn ra nhưng dự báo sản lượng cà phê giàu vị đắng giảm 5-10% so với số liệu ban đầu.
Quý I/2024, xung đột trên Biển Đỏ khiến hoạt động cung ứng cà phê bị gián đoạn cục bộ, đẩy giá cà phê Rrobusta lên cao nhất trong 30 năm qua. Xu hướng tăng giá tiếp tục diễn ra trong tháng 4/2024 do thời tiết không thuận lợi tại Việt Nam khiến nguồn cung bị ảnh hưởng.
Về mặt kỹ thuật, sự sụt giảm mạnh trên thị trường London vào ngày 7/5 đã để lại một lỗ hổng chờ lấp lại. Các phân tích kỹ thuật đang đặt niềm tin rằng, giá Robusta trên thị trường London giao tháng 7 sẽ sớm quay lại với mức trên 3.500 USD/tấn, chúng ta cùng hy vọng điều đó sẽ sớm xảy ra. Những nhà đầu tư trên sàn có thể hy vọng vào sự hồi phục ngắn này. Tuy nhiên về trung hạn, có lẽ loại hàng Robusta sẽ có một đợt giảm sụt bởi sự bán thanh lý vị thế cũng chỉ vừa mới bắt đầu trong thời gian qua.
Đối với thị trường New York, sự mạnh lên vào cuối phiên cùng với những tín hiệu 3 phiên đóng cửa tăng liên tiếp, cho phép giới phân tích kỹ thuật hy vọng rằng thị trường này sẽ sớm quay lại với mốc 205 cent, tính theo cơ sở giá tháng 7.
Dự báo các tháng còn lại của quý II/2024, giá cà phê thế giới sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Thị trường tiêu dùng cà phê châu Âu, hiện biến động do sự mất cân bằng cung - cầu từ Việt Nam sau khi sản lượng cà phê Robusta thấp hơn mức trung bình trong niên vụ cà phê 2022/2023, ước đạt 28,5 triệu bao trong niên vụ 2023/2024.
Ngoài ra, thế giới phụ thuộc khá nhiều vào lượng cà phê có chất lượng cao từ Brazil hàng năm, do đó yếu tố thời tiết không thuận lợi sẽ có khả năng gây thêm biến động đối với thị trường cà phê trong ngắn và trung hạn.
Ngày 10/5, báo cáo Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu cà phê tháng 4 của Việt Nam giảm sụt tới 19,5% so với cùng kỳ năm trước, nằm ở mức 152.073 tấn.
Nguồn cung cà phê Robusta bị khan hiếm từ Việt Nam, nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, là một yếu tố tăng giá trong thời gian qua.
Nhận định về diễn biến giá trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) dự báo, giá cà phê khả năng cao sẽ tiếp tục giảm trong một vài tuần tới, về vùng giá cuối năm 2023, khó có thể duy trì trên 80.00 đồng/kg. Sau đó, giá sẽ phục hồi dần vào cuối năm 2024 do nguồn cung thực tế còn nhiều bấp bênh.
Trong bối cảnh giá xuất hiện các biến động mạnh, việc quan sát kỹ lưỡng các thông tin cơ bản trên thị trường là điều quan trọng. Điều này không chỉ giúp ổn định tâm lý trên thị trường và xác định chiến lược mua bán hợp lý.
Bên cạnh theo dõi tình hình thị trường trong nước, các nhà đầu tư, thương nhân và nông dân cần theo dõi sát sao hơn diễn biến của thị trường thế giới, đặc biệt là biến động từ các nước sản xuất chính như Brazil và Indonesia.
Theo chu kỳ hàng năm, thời điểm từ tháng 5 trở đi, tâm điểm chú ý của thị trường cà phê thế giới sẽ dịch chuyển dần từ Việt Nam sang Brazil và Indonesia khi hoạt động thu hoạch cà phê tại các quốc gia này bước vào chính vụ.
Tại Việt Nam, mưa đã xuất hiện nhưng sản lượng cà phê vụ 2024-2025 dự đoán sẽ tiếp tục giảm so với niên vụ hiện tại khi quả và cây cà phê chết khô trước đó không thể phục hồi. Hơn thế, La Nina dự kiến sẽ trở lại thay thế El Nino từ nửa cuối năm nay, gây rủi ro về bão và lũ lụt đúng giai đoạn thu hoạch cuối năm.
Tại Brazil, hoạt động thu hoạch cà phê Robusta đang diễn ra nhưng giới phân tích bắt đầu hạ dự báo sản lượng cà phê giàu vị đắng 5-10% so với số liệu ban đầu. Trong những ngày đầu vụ 2024-2025, cây cà phê tại Brazil cũng trải qua những đợt nắng nóng đỉnh điểm, ảnh hưởng lên năng suất cây trồng.
Tại Indonesia, quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn thứ hai châu Á và đứng thứ ba thế giới, hoạt động thu hoạch cà phê vụ hiện tại đang được hoãn sang tháng Sáu, thay vì tháng Tư như mọi năm do quả cà phê chín muộn. Hiện tại, sản lượng quá thấp đang gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu cà phê tại quốc gia này. Tính chung ba tháng đầu năm 2024, Indonesia chỉ xuất đi 9.500 tấn cà phê, chưa bằng 1/3 lượng cà phê xuất khẩu cùng kỳ năm 2023.
Trung tâm Dự báo của Cơ quan Thời tiết Quốc gia thuộc Chính phủ Hoa Kỳ đã báo cáo rằng hiện có 49% khả năng loại thời tiết La Niña sẽ phát triển từ tháng 8 và sẽ kéo dài đến cuối năm nay.
Trong trường hợp La Niña, thì sẽ gây ra hiện tượng làm mát, gây ra khô hạn hơn ở các khu vực thuộc lục địa phía nam châu Mỹ và mang tới mưa quá mức ở các khu vực xích đạo có thể ảnh hưởng đến các quốc gia thuộc Vành đai Thái Bình Dương.