Giá dầu xuống dưới "vạch đỏ", Nga vận chuyển bằng tàu của phương Tây mà không lo bị trừng phạt
Giá dầu thế giới giảm sâu về dưới mức trần đang tạo ra thay đổi lớn trong chiến lược vận chuyển dầu thô của Nga.
Sau hơn một năm bị vây chặt trong các biện pháp trừng phạt năng lượng, Nga đang từng bước khôi phục quyền truy cập vào các dịch vụ vận tải và bảo hiểm do phương Tây cung cấp thông qua “cửa sổ” giá dầu giảm mạnh xuống dưới mức trần 60 USD/thùng.

Theo thông tin từ các hãng theo dõi năng lượng toàn cầu và các nguồn tin ngoại giao, giá dầu Ural – loại dầu xuất khẩu chủ lực của Nga đã giảm xuống dưới mức trần do phương Tây áp đặt từ tháng 12/2022, tạo điều kiện cho các công ty châu Âu vận chuyển và bảo hiểm trở lại mặt hàng này mà không vi phạm lệnh trừng phạt.
Theo quy định của G7, EU và các đồng minh, chỉ các lô dầu Nga có giá bán dưới 60 USD/thùng mới được vận chuyển bằng tàu và các dịch vụ bảo hiểm, tài chính của phương Tây. Điều này từng khiến Moscow phải dựa hoàn toàn vào cái gọi là “đội tàu bóng tối” – gồm các tàu cũ kỹ, ít tên tuổi, đăng ký tại các thiên đường thuế như Panama, Liberia, hoặc các quốc gia ngoài EU.
Thế nhưng tình hình đang thay đổi. Giá dầu Ural đã duy trì dưới 60 USD/thùng kể từ cuối tháng 1/2025 và tiếp tục giảm mạnh trong tháng 4, song hành với những biến động toàn cầu về kinh tế vĩ mô, địa chính trị và chính sách thương mại của Mỹ.
Thống kê mới nhất cho thấy, trong tháng này, có tới 43% số tàu vận chuyển dầu Nga từ các cảng Biển Baltic và Biển Đen là tàu do phương Tây sở hữu hoặc sử dụng dịch vụ bảo hiểm từ các tập đoàn có trụ sở tại Anh và châu Âu – con số cao nhất kể từ khi lệnh trừng phạt được áp dụng.
Diễn biến giá dầu là nguyên nhân chính mở đường cho sự thay đổi chiến lược. Giá dầu Ural hiện đang dao động quanh mốc 58-59 USD/thùng, đủ điều kiện để sử dụng hệ thống vận tải phương Tây mà không vi phạm lệnh cấm.
Điều này không chỉ giảm rủi ro cho các đối tác nhập khẩu dầu Nga mà còn giúp Moscow tiết kiệm đáng kể chi phí logistics, vốn đã tăng mạnh khi phải vận chuyển bằng các đội tàu bóng tối không đáng tin cậy, phí bảo hiểm cao ngất ngưởng.
Sự trở lại của các tàu phương Tây cũng giúp giảm nguy cơ rò rỉ dầu, sự cố tràn dầu hay tai nạn hàng hải, nhờ tiêu chuẩn kỹ thuật và giám sát chất lượng cao hơn.
Lợi dụng chi phí rẻ hơn và kênh vận chuyển trở lại thông suốt, Nga đang ưu tiên xuất khẩu dầu qua Biển Baltic và Biển Đen – các tuyến hàng hải gần châu Âu và Trung Đông. Trong khi đó, việc điều hướng bớt khỏi các cảng ở Thái Bình Dương và Bắc Cực đã tạo ra tác động kép lên thị trường dầu toàn cầu.
Giá cước vận chuyển dầu thô từ Mỹ đến châu Âu trong tháng 4 đã tăng 50%, đạt 4,60 USD/thùng, trong khi tuyến vận chuyển từ Colombia đến Texas cũng ghi nhận mức tăng 85%, lên 3,10 USD/thùng – mức cao nhất trong gần một năm qua.
Bất chấp lệnh trừng phạt, Nga vẫn là một trong những quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Một năm qua, Moscow đã tích cực chuyển hướng dòng chảy dầu từ phương Tây sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo các chuyên gia phân tích, việc giá dầu về dưới mức trần càng củng cố nhận định rằng các lệnh trừng phạt đang mất dần hiệu lực. Trong khi các nước phương Tây cố gắng hạn chế nguồn thu của Nga, thì chính họ lại vô tình tạo điều kiện để Nga tiếp cận trở lại với cơ sở hạ tầng vận tải năng lượng toàn cầu khi điều kiện thị trường cho phép.