Một chỉ báo cực hiếm vừa xuất hiện, chứng khoán Mỹ phản ứng ra sao?
Thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 26/4 (giờ Việt Nam) với các chỉ số chính đồng loạt tăng điểm, dẫn đầu là Nasdaq và S&P 500. Tâm lý lạc quan lan tỏa khi chỉ báo kỹ thuật hiếm hoi của Zweig được kích hoạt – dấu hiệu cho thấy thị trường đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/4 theo giờ Mỹ (tức rạng sáng 26/4 giờ Việt Nam), các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 40,44 điểm (0,74%) lên mức 5.525,21 điểm. Nasdaq Composite tăng 216,90 điểm (1,26%) đạt 17.382,94 điểm, trong khi Dow Jones nhích nhẹ 20,10 điểm (0,050%) chốt phiên với 40.113,50 điểm.
Đáng chú ý, các cổ phiếu trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) trong phiên cuối tuần đã kích hoạt chỉ báo Lực đẩy Bề rộng (Breadth Thrust Indicator) cực hiếm của Zweig.
Hiện tượng này xảy ra khi tỷ lệ cổ phiếu tăng giá, từ dưới 40% theo trung bình động, vọt lên trên 61,5% chỉ trong vòng 10 ngày. Chỉ báo này chỉ xuất hiện 19 lần trong vòng 80 năm và thường được xem là dấu hiệu cho thấy thị trường đang khởi phát một xu hướng tăng mạnh với tâm lý nhà đầu tư lan tỏa tích cực.

Trong số 11 nhóm ngành chính thuộc S&P 500, nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ dẫn đầu đà tăng. Ngược lại, nhóm nguyên vật liệu chịu áp lực giảm mạnh nhất theo tỷ lệ phần trăm.
Cổ phiếu Alphabet (GOOGL.O) tăng 1,7%, lên 161,96 điểm sau khi công ty mẹ của Google báo cáo doanh thu từ mảng Google Cloud tăng trưởng 28%. Alphabet cũng trấn an nhà đầu tư rằng các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) đang bắt đầu đem lại hiệu quả rõ rệt.
Cổ phiếu Intel (INTC.O) gây sức ép lên thị trường khi hãng sản xuất chip này cảnh báo về “tình trạng bất ổn gia tăng trên toàn ngành”, đồng thời đưa ra triển vọng doanh thu và lợi nhuận quý tới thấp hơn kỳ vọng giới phân tích. Cổ phiếu của Intel giảm mạnh 6,8% xuống còn 20,05 điểm, dù kết quả kinh doanh đầu năm vượt dự báo.
Cổ phiếu Tesla (TSLA) bật tăng 9,8% lên 284,95 điểm sau thông tin từ chính quyền Trump về việc nới lỏng các quy định đối với xe tự lái tại Mỹ, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc. Đây cũng là tuần tăng mạnh nhất của cổ phiếu Tesla kể từ tháng 11 năm ngoái. Đà tăng được duy trì liên tục kể từ khi CEO Elon Musk vào thứ Ba tuyên bố sẽ giảm bớt công việc liên quan đến chính phủ để tập trung nhiều hơn cho Tesla.
Cổ phiếu của VeriSign (VRSN) tăng mạnh 8% lên 272,79 điểm sau khi công ty thông báo chia cổ tức bằng tiền mặt và điều chỉnh tăng dự báo cả năm. Lượng đăng ký tên miền tăng so với quý trước là yếu tố chính giúp củng cố kết quả và triển vọng tích cực.
Ở chiều giảm, cổ phiếu Erie Indemnity (ERIE) mất 11,5% xuống 361,85 điểm – mức giảm mạnh nhất trong nhóm S&P 500 phiên này. Dù doanh thu nhỉnh hơn kỳ vọng, chi phí hoạt động cao khiến lợi nhuận giảm sút mạnh so với dự đoán.
Cổ phiếu T-Mobile US (TMUS) giảm 11,2% còn 232,77 điểm sau khi hãng viễn thông này công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh số và lợi nhuận vượt dự báo. Tuy nhiên, số lượng thuê bao không trả trước thấp hơn kỳ vọng, trong khi tỷ lệ khách hàng rời mạng tăng nhẹ so với cùng kỳ. CEO T-Mobile cũng cảnh báo người tiêu dùng có thể sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho điện thoại nếu thuế quan tăng làm chi phí nhập khẩu đội lên.
Trên bình diện vĩ mô, những phát biểu ôn hòa gần đây của Tổng thống Donald Trump về chính sách thương mại đã phần nào xoa dịu lo ngại của giới đầu tư, giúp thị trường duy trì đà tăng ba phiên liên tiếp sau phiên biến động đầu tuần.
Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ tại Capital Economics, ông Paul Ashworth, nhận định trong một báo cáo nghiên cứu rằng diễn biến tiêu cực trên thị trường có thể là yếu tố quan trọng thúc đẩy ông Trump cân nhắc lại mức thuế nhập khẩu cao với hàng hóa Trung Quốc – hiện đang ở mức tổng cộng 145%.