Theo ghi nhận tại thị trường trong nước, giá vàng tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm nay 26/4.
Hình minh họa. |
Cụ thể, tính đến thời điểm 16h00, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) tiếp tục tăng thêm 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 900.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, lên mức 83,0 – 85,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Hiện tại, mức chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra đang ở mức khoảng hơn 2 triệu đồng mỗi lượng.
Trong khi đó, tại Tập đoàn DOJI, giá vàng miếng SJC cũng tăng 800.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Hiện, doanh nghiệp này đang niêm yết ở mức 82,6 – 84,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá vàng miếng SJC tại Hệ thống PNJ cũng tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, niêm yết ở mức 82,8 – 85,0 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng SJC cũng tăng 700.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, niêm yết ở mức 83,1 - 85,0 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng tăng rất mạnh. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn thương hiệu vàng Rồng Thăng Long tăng tới 860.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 760.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, niêm yết ở mức 74,48 – 76,08 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám Đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), giá vàng miếng SJC bị đẩy lên do cộng hưởng nhiều yếu tố: nguồn cung thấp, đang trước kỳ nghỉ lễ và nguồn cung nhẫn trơn khan hiếm vì đang đợt cao điểm thanh kiểm tra do vậy các đơn vị không dám mua nguồn vàng trôi nổi trên thị trường để làm nhẫn trơn như trước.
Việc nhẫn trơn khan hiếm cũng là một trong các yếu tố đẩy giá vàng miếng SJC tăng.
Thêm vào đó việc tăng cung vàng miếng ra thị trường cũng chưa được như kỳ vọng vì sau 3 phiên đấu thầu vàng thì hai phiên đã bị huỷ do quá ít thành viên tham gia dự thầu. Trong phiên đấu thầu ngày 23-4 thì chỉ có hai đơn vị trúng thầu với tổng khối lượng 3.400 lượng vàng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đang đứng quanh ngưỡng 2.340 USD/ounce. Giá vàng tương lai tăng cao với hợp đồng tháng 6-2024 đạt mức 2.344,30 USD/ounce, tăng 6,20 USD trong ngày.
Hiện, mỗi lượng vàng miếng trong nước cao hơn thế giới khoảng 13,3 triệu đồng (cao hơn 800.000 đồng so với hôm qua). Còn chênh lệch nhẫn trơn với thế giới khoảng 3,5 triệu đồng.
Được biết, kim loại quý có mức tăng khiêm tốn được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đông USD, mất 0,21% để cố định chỉ số USD ở mức 105,44. Động thái của kim loại quý diễn ra trước hai báo cáo kinh tế có khả năng tác động đến thị trường, có thể ảnh hưởng đến triển vọng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và lời kêu gọi trú ẩn an toàn của vàng.
Dữ liệu cho thấy, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 3,2% hằng năm trong quý đầu tiên. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của FED, tăng với tỷ lệ 3,4% hằng năm - cao hơn nhiều so với tốc độ 1,8% trong quý IV-2023. PCE cốt lõi, loại bỏ chi phí năng lượng và thực phẩm dễ biến động, cũng tăng tốc lên 3,7%.
Ole Hansen dự báo, trong thời gian tới, giá vàng có thể quay về trong khoảng 2.255-2.260 USD/ounce.
Trong khi đó, Matt Simpson, nhà phân tích cấp cao của City Index, dự đoán kim loại quý sẽ sớm trở lại mức giá từ 2.330-2.350 USD/ounce.
Jonathan Rose, Giám đốc điều hành Genesis Gold Group, dự báo năm 2024 diễn ra bầu cử Mỹ và nhiều xung đột địa chính trị, giá vàng sẽ có nhiều kỷ lục mới.
Giá vàng chiều nay 23/4/2024: Vàng nhẫn giảm sốc, chuyên gia lý giải nguyên nhân Theo giới chuyên gia, động thái từ Nhà điều hành buộc các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải chủ động hạ giá, nếu không sẽ ... |
Giá vàng hôm nay 26/4/2024: Bất ngờ tăng mạnh sau những “đồn đoán” Giá vàng vẫn tăng cho dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức đấu thầu và thị trường đồn đoán về khả năng Nghị ... |
Vân Anh