Giá vé máy bay tăng mạnh: Cục Hàng không và chuyên gia khuyến cáo gì?

16/05/2024 - 02:00
(Bankviet.com) Trước những lo ngại về việc tăng giá vé máy bay, Cục Hàng không Việt Nam và chuyên gia kinh tế đã đưa ra khuyến cáo cho người dân và doanh nghiệp.
Khách hàng phản ánh vé máy bay tăng cao, khó mua dịp Tết: Cục Hàng không yêu cầu gì? Du lịch ra sao khi tăng giá vé máy bay? Du lịch nội địa lo “ế khách” dịp lễ 30/4 - 1/5

Theo Báo cáo xu hướng toàn cầu của FCM Consulting, một công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng từ 17-25% so với năm 2019 vào cuối năm 2023. Cụ thể, giá vé tại châu Á tăng 21%, Úc/New Zealand tăng 22%, châu Âu tăng 18%, Nam Mỹ tăng 25%, và Bắc Mỹ tăng 17%.

sao giá vé máy bay liên tục tăng?

Thống kê cho thấy giá vé máy bay hạng phổ thông theo cặp thành phố của một số khu vực trên thế giới từ cuối năm 2023 cũng đã tăng, với một số chặng tăng lên đến 40% so với năm 2019. Ví dụ, giá vé từ Thượng Hải đến Singapore tăng 10%, từ Mumbai đến New Delhi tăng 20%, từ Mumbai đến London tăng 20%, từ New York đến Frankfurt tăng 17%, từ Los Angeles đến New York tăng 40%, từ Dublin đến London tăng 26%, từ Frankfurt đến Madrid tăng 15%, và từ New York đến London tăng 14%.

Giá vé máy bay tăng mạnh: Cục Hàng không và chuyên gia khuyến cáo gì?
Giá vé máy bay quốc tế hạng Phổ thông đã tăng từ 17-25% so với năm 2019 vào cuối năm 2023 (Ảnh: Shutterstock)

FCM Consulting dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng thêm 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Tại Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) cũng vừa có báo cáo Bộ Giao thông vận tải về sự tăng giá vé máy bay nội địa trong 4 tháng đầu năm 2024. Theo báo cáo, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay của các hãng hàng không Việt Nam (hãng HKVN) đã tăng so với cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành.

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, giá vé/km trên các chặng nội địa của Vietnam Airlines hiện đang áp dụng ở mức tương đương với các hãng trong khu vực Đông Nam Á, và thấp hơn đáng kể so với các hãng Châu Âu và Bắc Mỹ.

Theo TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế thuộc Học viện Tài chính, cho rằng giá xăng dầu máy bay thời gian gần đây ở mức cao dẫn đến chi phí giá vé cao. Thứ hai do các hoạt động về hàng không đều tính bằng USD từ việc thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, vận hành đến tiền lương công nhân... Trong khi đó tỷ giá USD thời gian qua cũng đã có những biến động tương đối mạnh.

Tháng 4/2023 đến tháng 4 năm nay, tỷ giá USD cũng đã biến động khoảng gần 8% vì vậy điều này làm chi phí tính bằng Việt Nam đồng tăng cao”, ông Thịnh nhận định.

Cùng với đó việc triệu hồi động cơ của Nhà sản xuất Pratt & Whitney (PW) đã tác động đến việc giảm đội tàu bay khai thác trên thế giới. Lượng máy bay ít, trong khi các đường bay vẫn có nên dẫn đến các kỳ cao điểm như 30/4 vừa qua nhiều đường bay phải “bay không” để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách.

Chuyên gia dẫn chứng như tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, chiều vào rất đông nhưng chiều ra lại ít. Nếu nhiều máy bay thì các hãng có thể tổ chức máy bay đỗ ở sân bay để chờ, khi nào có khách thì bay. Nhưng vì thiếu máy bay nên các hãng này phải tổ chức bay không ở chiều ra do đó phải tính thêm vào chi phí vé.

Ngoài ra các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không cũng đang thực hiện tái cấu trúc nên chi phí theo thời gian cũng tăng. Lãi suất vay bằng USD tăng cao và bây giờ vẫn giữ mức cao nên chi phí vốn của các hoạt động liên quan đến dịch vụ bay cũng tăng.

Hiện nay có 2 loại thuế phí đóng góp cho ngân sách nhà nước là tương đối ít vì thế không phải là lớn đối với giá vé máy bay, nhưng có khoảng 20 loại phí dịch vụ này liên quan đều tăng giá nên chi phí bay tăng lên.

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, việc tăng giá vé này đã tác động ngay đến thị trường, đặc biệt có thể thấy trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua. Đối với du khách quốc tế cũng không ảnh hưởng nhiều nhưng với du khách nội địa vì tăng giá vé nên lượng du khách đi nghỉ bằng máy bay cũng đã giảm đáng kể. Khách nội địa đã giảm 18%, còn khách quốc tế đến Việt Nam tăng 35,5% tuy nhiên con số này vẫn nhỏ so với khách nội địa. Nên tổng lượng khách vẫn giảm 5%. Vì thế các điểm du lịch và đặc biệt là các công ty du lịch đã chịu thiệt hại.

Không chỉ thế, theo ông Thịnh, việc này sẽ là xu thế ảnh hưởng lâu dài khi việc tăng giá vé máy bay sẽ ít nhiều kìm hãm sự phát triển dịch vụ và kinh tế đất nước.

Du khách và doanh nghiệp cần làm gì giữa cơn "bão giá"?

Trước những lo ngại của hành khách về tăng giá vé máy bay, Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo hành khách cần sớm xây dựng kế hoạch di chuyển, mua vé qua các kênh bán vé chính thức và theo dõi thông tin về kế hoạch khai thác của các hãng hàng không.

Trường hợp hành khách mua vé cao hơn quy định hoặc phát sinh các vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của hành khách, hành khách cần thông tin đến Cục Hàng không Việt Nam, các Cảng vụ hàng không khu vực hoặc các cơ quan quản lý nhà nước theo đúng thẩm quyền để kịp thời xử lý, giải quyết.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, cho rằng đối với các hãng hàng không và công ty du lịch phải có sự liên kết để có thể tổ chức tốt nhất.

Các công ty du lịch phải liên kết với các hãng hàng không và các điểm đến để tổ chức bay vào các giờ thấp điểm như tối hoặc sáng sớm thì lúc đó sẽ tiết kiệm được tối đa chi phí từ đó cũng tạo ra hiệu quả trong ngành du lịch đồng thời đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân, điểm du lịch trong tương lai.

Thế Duy

Theo: Báo Công Thương