Giá xăng dầu hôm nay 28/2/2024: Đà giảm chưa chấm dứt

28/02/2024 - 13:48
(Bankviet.com) Ghi nhận vào lúc 5h20 ngày 28/2 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu thế giới tiếp tục điều chỉnh giảm do lo ngại việc cắt giảm lãi suất ở Mỹ khó diễn ra sớm như mong đợi sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu.

Giá xăng dầu hôm nay 27/2/2024: Ghi nhận giảm nhẹ

Nga cấm xuất khẩu xăng dầu trong vòng 6 tháng

Cụ thể, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 81,22 USD/thùng và giá dầu WTI ở mức 76,15 USD/thùng. Những thông tin về việc Fed có thể kéo dài thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất đã đẩy giá của đồng USD tăng cao hơn, gây áp lực lên giá hàng hóa, trong đó có giá dầu.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Cùng với đó, các nhà đầu tư cũng tỏ ra quan ngại bởi dự báo nhu cầu yếu trong năm nay của Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Và mới đây, cơ quan này đưa ra dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trên toàn thế giới trong năm 2024 sẽ giảm xuống còn 1,22 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, giá dầu vẫn đang chịu tác động bởi diễn biến địa chính trị ở Trung Đông

Căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang ở Trung Đông bất chấp những nỗ lực của các bên nhằm tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza. Reuters thông tin, lực lượng Houthi vẫn tiếp tục tấn công các tàu thương mại qua Biển Đỏ và các vùng biển khác sử dụng tàu ngầm không người lái khiến tình hình ở Trung Đông vẫn tiếp tục căng thẳng.

Tuần trước, giá dầu thế giới giảm khá mạnh chủ yếu do lo ngại nhu cầu suy yếu. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent giảm khoảng 2% trong khi giá dầu WTI giảm hơn 3%.

Trong nước, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 27/2/2024 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 22/2 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 xuống mốc 22.475 đồng/lít; xăng RON 95 xuống mốc 23.599 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel xuống mốc 20.910 đồng/lít; dầu hỏa xuống mốc 20.921 đồng/lít. Riêng dầu mazut trong phiên điều chỉnh lần này vẫn tiếp tục được điều chỉnh tăng và tăng lên mốc 15.929 đồng/kg.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong nước có sự thay đổi như trên do chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu trong năm nay sẽ giảm xuống thấp hơn so với dự báo trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chậm cắt giảm lãi suất ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu dầu mỏ, Mỹ nâng giá đồng USD tác động tiêu cực lên giá dầu thế giới, căng thẳng tại khu vực Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, xung đột tại khu vực Biển Đỏ vẫn tiếp diễn ảnh hưởng đến hoạt động vận tải…

Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua diễn biến tăng, giảm đan xen nhưng xu thế chung là giảm. Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut, không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa; không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 46 lần điều chỉnh, trong đó có 26 lần tăng, 17 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

Thu Uyên (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán