Giáo dục tài chính, giúp sinh viên sử dụng đồng tiền thông thái

03/10/2024 - 05:50
(Bankviet.com) Giáo dục tài chính đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận sẽ giúp sinh viên hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân, sử dụng đồng tiền một cách thông thái.
Giáo dục tài chính - "chìa khóa" bảo vệ quyền lợi người dùng thẻ tín dụng BIDV đồng hành với chương trình giáo dục tài chính cá nhân đầu tiên cho sinh viên Chính thức khai mạc Chuỗi sự kiện Giáo dục tài chính 2024

Bước đi quan trọng trong Chiến lược tài chính quốc gia

Nâng cao dân trí tài chính, giáo dục tài chính là một yêu cầu cấp bách hiện nay. Giáo dục tài chính cho giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên là bước đi quan trọng trong Chiến lược tài chính quốc gia. Chia sẻ tại tọa đàm “Giáo dục tài chính cho sinh viên” trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện truyền thông giáo dục tài chính năm 2024 vào chiều ngày 2/10/2024 tại Hà Nội, PGS.TS Phạm Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng - cho biết, là cơ sở giáo dục thuộc Ngân hàng Nhà nước, Học viện Ngân hàng nhận thức rõ vai trò vấn đề truyền thông và giáo dục tài chính. Trong giáo dục tài chính sẽ hướng tới nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có đối tượng trẻ - đặc biệt là các bạn sinh viên. Bởi sinh viên là những đối tượng có tri thức, các bạn rất thông minh, tài năng và sáng tạo.

“Với những kiến thức về tài chính đôi khi hóc búa thì các bạn sinh viên rất dễ dàng hiểu và tiếp thu nhanh. Và từ đó nhanh chóng lan tỏa tri thức của mình về tài chính tới những người xung quanh, tới gia đình, bạn bè và xã hội. Một xã hội mà có kiến thức tài chính ở mức độ cao thì chắc chắn xã hội đó sẽ phát triển” - PGS.TS Phạm Hoàng Anh nhấn mạnh.

Ở góc độ cơ quan truyền thông của Ngân hàng Nhà nước, bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - cho biết, giáo dục tài chính một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận sẽ giúp sinh viên hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân, định hướng tiêu dùng, tránh rủi ro tín dụng đen, góp phần tạo nền tảng cho một tương lai tài chính ổn định và bền vững sau này.

Giáo dục tài chính, giúp sinh viên sử dụng đồng tiền thông thái
Tọa đàm “Giáo dục tài chính cho sinh viên”

Tuy nhiên, theo bà Sen, cái khó là việc truyền tải những khối lượng lớn kiến thức, kỹ năng tài chính chuyên sâu một cách đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ thực hành tới các bạn sinh viên. “Chúng tôi đã phải nghiên cứu rất nhiều về phương pháp truyền thông, như triển khai nhiều chương trình giáo dục tài chính dành cho học sinh và sinh viên, như “Tiền khéo tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”, “Hiểu đúng đồng tiền”, hay xuất bản cuốn sách “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền”. Đặc biệt Chuỗi sự kiện truyền thông giáo dục tài chính năm 2024 ngày hôm nay cũng là một trong những hoạt động mà Ngân hàng Nhà nước chú trọng” - bà Sen cho hay.

Đánh giá về các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính của Việt Nam, bà Anna Szalwicki - Đại diện Quỹ hợp tác Quốc tế các ngân hàng tiết kiệm Đức (DSIK), Phó điều phối viên khu vực Đông Nam Á - cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất thành công trong việc thực hiện tài chính toàn diện bởi các bạn có bộ công cụ đa dạng để truyền thông, giáo dục tài chính cho giới trẻ. “Chúng tôi ấn tượng với cuốn sách “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền”, đây là cuốn sách rất thú vị mang tính tương tác cao. Chúng tôi coi đây là một nguồn học liệu và đã giới thiệu cuốn sách này lên website DSIK tại châu Á” - bà Anna nhấn mạnh.

Trang bị kiến thức tài chính, thoát bẫy lừa đảo

Tại toạ đàm, bà Nguyễn Thị Thúy Giang, Chuyên gia Phát triển sản phẩm - Khối Ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã có những chia sẻ về xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt và những lưu ý khi sử dụng.

Theo bà Giang, tính đến hết năm 2023, kết quả triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam là hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, khoảng hơn 80% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản thanh toán. Trong đó, có 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động. Số lượng giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng lên tới 130 triệu giao dịch, với tổng giá trị là 198.24 triệu tỷ đồng, tức là bình quân hệ thống xử lý hơn 789 nghìn tỷ đồng/ngày.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các công nghệ hiện đại, các gian lận trong thanh toán trực tuyến cũng gia tăng đáng kể trong những năm gần đây gây ra những thiệt hại đáng kể về tài chính và phi tài chính cho ngân hàng, khách hàng, các bên liên quan khác và nền kinh tế số.

Giáo dục tài chính, giúp sinh viên sử dụng đồng tiền thông thái
Bà Nguyễn Thị Thúy Giang, Chuyên gia Phát triển sản phẩm - Khối Ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chia sẻ tại toạ đàm

Nhằm giúp sinh viên tránh bị mất tiền oan, đại diện ngân hàng SHB đã điểm danh một số chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay như: Mạo danh cơ quan Nhà nước/cơ quan chức năng; mạo danh ngân hàng; mạo danh người thân, lãnh đạo; đối tượng lừa đảo lập các trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam; đối tượng rao bán sản phẩm dịch vụ qua mạng nhưng sau khi khách hàng chuyển tiền, không nhận được sản phẩm, không liên lạc được người bán…

“Thông thường các tội phạm rất tinh vi, nói chuyện ngon ngọt và như thật, nên khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi của người lạ, hay bảo click vào các link lạ (ko có hình ổ khóa) thì chúng ta phải cảnh giác, thực sự tỉnh táo” - bà Giang khuyến cáo.

Đại diện ngân hàng SHB nhấn mạnh, các sinh viên tuyệt đối không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào từ người tự nhận là công an, cán bộ thuộc cơ quan nhà nước, cán bộ ngân hàng… Không truy cập/nhập thông tin bảo mật ngân hàng điện tử vào trang website/ứng dụng khác với trang web/đường dẫn Internet Banking/ứng dụng ngân hàng điện tử của ngân hàng. Không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link. Không cài các ứng dụng thử nghiệm của Apple. Không cấp quyền xem màn hình, xem dữ liệu nhập và điều khiển màn hình điện thoại. Không cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng điện tử như mật khẩu đăng nhập, mã xác thực (OTP, QR); thông tin về tài khoản, thẻ, cho bất kỳ ai. Không bẻ khoá (root, jailbreak) điện thoại.

Bà Giang cũng lưu ý thêm, nếu chẳng may đã làm theo những lời của những kẻ giả mạo thì ngay lập tức hãy khóa dịch vụ ngân hàng điện tử và tắt điện thoại, cài đặt lại điện thoại. Cùng với đó, liên hệ công an địa phương, ngân hàng qua hotline hoặc đến điểm giao dịch gần nhất.

Chia sẻ về hai mặt của tín dụng tiêu dùng, đồng thời đưa ra những giải pháp giúp sinh viên quản lý tài chính cá nhân một cách hợp lý, bà Lê Minh Trang, Trưởng phòng Quản lý sản phẩm đầu tư và phân khúc khách hàng trung lưu, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - cho biết, tín dụng tiêu dùng có thể là con dao hai lưỡi, giúp sinh viên đạt được các mục tiêu ngắn hạn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, sinh viên cần trở thành những người tiêu dùng thông minh, hiểu rõ nhu cầu của bản thân và sử dụng tín dụng một cách có trách nhiệm để xây dựng tương lai tài chính vững chắc.

Theo bà Trang, có 3 giải pháp quản lý tín dụng tiêu dùng hiệu quả bao gồm: Lập kế hoạch chi tiêu; theo dõi và kiểm soát chi tiêu; và nắm rõ lãi suất cũng như điều khoản của thẻ tín dụng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, em Lê Ngọc Ánh, sinh viên Học viện Ngân hàng chia sẻ: “Thông qua buổi tọa đàm, trao đổi với các chuyên gia, chúng em biết được những thông tin, kiến thức cơ bản về tín dụng tiêu dùng, thanh toán không dùng tiền mặt và các lưu ý để bảo vệ bản thân tránh khỏi các rủi ro khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Và quan trọng hơn, em được hiểu hơn về ngành mà mình theo học”.

Giáo dục tài chính, giúp sinh viên sử dụng đồng tiền thông thái
Trao giải Cuộc thi Hiểu biết về tài chính

Cũng trong chiều nay (2/10), đã diễn ra Cuộc thi Hiểu biết về tài chính với sự tham gia của 4 đội thi xuất sắc nhất đến từ Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Thủy lợi.

Cuộc thi là một sân chơi trí tuệ với các vòng thi gay cấn, đặc sắc. Đặc biệt là phần tranh biện căng thẳng để chinh phục ban giám khảo và khán giả. Các chủ đề thảo luận đều là những vấn đề gần gũi và hữu ích với các bạn sinh viên, tạo cơ hội cho các bạn thể hiện sự thông minh, nhạy bén trong lập luận và mang đến những góc nhìn đa chiều và đầy thuyết phục của mình.

Đáng chú ý, các câu hỏi tình huống tại cuộc thi được thể hiện dưới hình thức sân khấu hóa với sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng NSƯT Thái Sơn và nghệ sĩ Thanh Hương khiến cuộc thi được giới trẻ nhiệt tình tham gia.

Sân chơi của cuộc thi Hiểu biết về tài chính cũng giúp các bạn trẻ tích lũy được nhiều kiến thức hữu ích về tài chính ngân hàng, biết cách tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, hiểu về các sản phẩm vay vốn dành cho sinh viên và biết cách để tránh bẫy tín dụng đen…

Trải qua 2 vòng thi gay cấn, đội thi Chi Lăng đến từ Trường Đại học Công Đoàn đã xuất sắc giành ngôi Quán Quân; đội Infinity Rise của Học viện Ngân hàng giành ngôi Á Quân, hai đội Sunflower - Trường Đại học Thuỷ Lợi, Angels - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội giành ngôi Quý Quân.

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương