Góp gần 100 triệu USD vào dự án 'khủng' với Geely Auto, năng lực tài chính của Tasco ra sao?

25/09/2024 - 18:37
(Bankviet.com) Công ty CP Tasco (HNX: HUT) vừa ký kết với Geely Auto Group (Trung Quốc) hợp đồng liên doanh lắp ráp và phân phối ô tô tại Việt Nam. Dự án sẽ được triển khai tại Khu công nghiệp Tiền Hải (Thái Bình). Năng lực tài chính của Tasco ra sao khi tham gia dự án này?

Tasco góp 94,7 triệu USD vào dự án

Thông tin từ các bên cho thấy, đây là dự án CKD (Completely Knocked Down: lắp ráp trong nước với linh kiện được nhập khẩu), có công suất thiết kế đạt 75.000 xe/năm cho giai đoạn 1, quy mô diện tích đất 30ha. Ngoài việc phục vụ cho nhu cầu trong nước thì dự án cũng hướng đến mục tiêu xuất khẩu sang các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 168 triệu đôla Mỹ, trong đó Tasco sẽ góp vốn đầu tư 64%, số còn lại là phần góp vốn của Tập đoàn Geely. Theo kế hoạch, liên doanh sẽ bước đầu lắp ráp các dòng xe thuộc thương hiệu Lynk & Co và Geely Auto, trong tương lai có thể mở rộng lắp ráp các thương hiệu xe khác. Nhà máy dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong nửa đầu năm 2025 và bàn giao mẫu xe đầu tiên tới khách hàng trong đầu năm 2026.

Ngoài lắp ráp xe Geely, Tasco Auto, công ty con của tập đoàn Tasco cũng giữ quyền phân phối dòng xe Geely tại Việt Nam. Trước Geely, Tasco Auto đã phân phối Volvo, Zeekr, Lynk & Co ở thị trường trong nước.

Góp gần 100 triệu USD vào dự án 'khủng' với Geely Auto, năng lực tài chính của Tasco ra sao?

Đại diện Tasco và Geely ký kết hợp tác liên doanh sản xuất lắp ráp xe. Ảnh: Tasco.com.vn

Được biết, Tasco Auto hiện là DN phân phối ô tô với hàng trăm showroom trải dài khắp cả nước. Hiện chưa rõ, Tasco sẽ thực hiện những phương án huy động vốn như thế nào để thực hiện dự án nêu trên.

Chi phí quản lý doanh nghiệp phình to, lợi nhuận èo uột

Về tình hình tài chính của Công ty CP Tasco, tại lần đăng ký thay đổi thứ 30, DN này có vốn điều lệ trên 8.295 tỷ. Người đại diện pháp luật là ông Hồ Việt Hà, Tổng giám đốc.

Tìm hiểu cho thấy, kết thúc quý 2/2024, Tasco có tổng nguồn vốn là trên 27.230 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 11.660 tỷ đồng. Công ty có tổng nợ phải trả là 15.659 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn và nợ dài hạn phải trả xấp xỉ bằng nhau, khi đều ở mức gần 8.000 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nợ ngắn hạn phải trả thì vay và nợ thuê tài chính chiếm khoảng 42%, tương ứng với trên 3.350 tỷ đồng, trong đó số tiền vay ngân hàng là 2.519 tỷ đồng, số còn lại là vay các tổ chức tài chính và các đối tượng khác…

Trong bức tranh tài chính của Tasco, điểm đáng chú ý là chỉ số ROE (lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu) ở mức rất thấp. Theo đó, chỉ số này chỉ ở mức 0,7%. Không những vậy, chỉ số ROA (lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản) còn ở mức đáng buồn hơn, con số cụ thể chỉ ở mức 0,3%. Được biết, tại thời điểm ngày 30/6/2024, Tasco có lượng hàng tồn kho trên 2.744 tỷ đồng.

Góp gần 100 triệu USD vào dự án 'khủng' với Geely Auto, năng lực tài chính của Tasco ra sao?
Chi phí quản lý DN của Tasco phình to, khoét sâu vào lợi nhuận

Về tình hình sản xuất kinh doanh, tìm hiểu cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, Tasco đạt tổng doanh thu 11.726 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu thuần về bán hàng ở mức 11.718 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 1.084 tỷ đồng. Điểm đáng lưu tâm trong bức tranh tài chính của Tasco là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến tới 604 tỷ đồng (cùng kỳ là 105 tỷ đồng) nên đã khoét sâu vào lợi nhuận trước và sau thuế. Được biết, các số liệu này lần lượt là 115 tỷ đồng và 91 tỷ đồng.

Năm 2024, ĐHĐCĐ của Tasco thống nhất hướng tới tiêu tổng doanh thu 24.750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 660 tỷ đồng. Như vậy tính đến hết quý 2/2024, Tasco mới đạt hơn 13% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế. Gần 90% lợi nhuận còn lại trong 6 tháng cuối năm là con số không dễ san lấp.

Quan sát sức khỏe tài chính của Tasco trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 không cho thấy dấu hiệu khả quan, ví như lợi nhuận sau thuế của DN này năm 2023 chỉ đạt 56 tỷ đồng, giảm 61% so với năm 2022.

Góp gần 100 triệu USD vào dự án 'khủng' với Geely Auto, năng lực tài chính của Tasco ra sao?
So với mục tiêu lợi nhuận sau thuế của năm 2024, Tasco mới đạt 13% trong 6 tháng đầu năm

Không khó để nhận ra những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của Tasco trong thời gian gần đây. Không chỉ đến từ thị trường, việc tham gia nhiều mảng hoạt động cũng đặt ra thách thức về mặt quản trị đối với đội ngũ lãnh đạo của DN này. Hiện DN này tham gia vào ít nhất 4 lĩnh vực: hạ tầng giao thông, bất động sản và nghỉ dưỡng, bảo hiểm và tài chính, dịch vụ oto.

Với quyết định thực hiện Dự án lắp ráp oto quy mô rất lớn lên tới 168 triệu đôla Mỹ, một mặt Tasco phải giải bài toán nguồn vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư, năng lực cạnh tranh và chi phí gia nhập thị trường. Bởi với Tasco, dù đã có kinh nghiệm bán xe nhưng lắp ráp và tiêu thụ một thường hiệu xe đến từ Trung Quốc lại là một câu chuyện khác.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/9/2024, CP HUT của Tasco đóng cửa ở mức 16.600 đồng/CP với thanh khoản 1,5 triệu CP. Cổ phiếu này đã đi ngang suốt nhiều tháng qua.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2024, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã đạt tổng cộng 172.200 chiếc, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo các chuyên gia, dù được hỗ trợ bởi chính sách giảm thuế trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước, nhưng nhìn chung, các DN vẫn đối mặt với nhiều thách thức bởi sự cạnh tranh giữa các hãng xe trong nước và quốc tế ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các nhà sản xuất trong nước phải liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ và dịch vụ hậu mãi để giữ vững thị phần. Ngoài ra, các chính sách thuế, phí và các quy định về bảo vệ môi trường cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp này trong thời gian tới.

"Gam màu tối" trong bức tranh kinh doanh quý 1/2024 ngành ngân hàng

Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu năm 2024 của các ngân hàng, trong đó có 9 ngân hàng báo lãi giảm so ...

Chuỗi ngày ảm đạm của doanh nghiệp than trên sàn duy nhất không có vốn nhà nước

Khác với các doanh nghiệp ngành than trên sàn chứng khoán Việt Nam, Hợp Nhất là công ty thuộc sở hữu tư nhân, không do ...

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong 6 tháng đầu năm sẽ ra sao?

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của các ngân hàng mặc dù chưa được công bố, tuy nhiên nhiều dự báo cho ...

Dự báo bức tranh sáng tối của lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý 2/2024

Trong số 13 ngân hàng được SSI Research đưa ra dự báo, có nhiều ngân hàng được dự báo lợi nhuận tăng trưởng tích cực, ...

Bức tranh nợ xấu ngân hàng 2024: Lợi nhuận bị 'bào mòn', rao bán tài sản vẫn ế ẩm

Nợ xấu ngân hàng tiếp tục gia tăng trong nửa đầu năm 2024, tạo áp lực lớn lên lợi nhuận của các ngân hàng. Dù ...

Chứng khoán Hoàng Gia thay tên đổi chủ, bức tranh kinh doanh thế nào?

Công ty CP Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (IRS) chính thức đổi tên thành Chứng khoán UP (UPS) từ ngày 23/9/2024. Trước đó là ...

Bùi Quý

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán