Hai dự án chiến lược trong lĩnh vực chuyển phát và logistics của VTP hứa hẹn mang về lợi nhuận khủng

19/12/2024 - 19:29
(Bankviet.com) Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (VTP) đang đẩy mạnh tăng trưởng với hai dự án chiến lược Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn và nền tảng thương mại điện tử Vipo Mall. Những bước đi này không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn thu mà còn củng cố vị thế trong lĩnh vực logistics xuyên biên giới nhờ tận dụng lợi thế từ hệ sinh thái của Tập đoàn Viettel.

Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn là một dự án cảng nội địa tích hợp, được định hướng cung cấp dịch vụ logistics trọn gói nhằm phục vụ hoạt động thương mại xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Dự án sẽ được triển khai trên phần diện tích 143,7 ha với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng. Công năng gồm khu dịch vụ thông quan, khu vực các kho hàng, kho ngoại quan, trung tâm giao dịch nông sản, khu dịch vụ logistics gia tăng, hạ tầng ga kết nối đường sắt liên vận...

Theo đánh giá từ VCI Research, dự án này sở hữu vị thế vượt trội nhờ lưu lượng lớn phương tiện vận tải qua các cửa khẩu biên giới tại Lạng Sơn, mang lại tiềm năng tăng trưởng bền vững. Cụ thể, công viên đang hội tụ bốn lợi thế chính: Thứ nhất, vị trí chiến lược gần các tuyến giao thương quan trọng; thứ hai, khả năng cung cấp dịch vụ logistics toàn diện với giá cả cạnh tranh; thứ ba, chất lượng dịch vụ cao cấp nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến; thứ tư, tệp khách hàng sẵn có từ mảng chuyển phát và logistics của VTP.

Hai dự án chiến lược trong lĩnh vực chuyển phát và logistics của VTP hứa hẹn mang về lợi nhuận khủng
Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn sở hữu vị thế vượt trội nhờ lưu lượng lớn phương tiện vận tải qua các cửa khẩu biên giới tại Lạng Sơn, mang lại tiềm năng tăng trưởng bền vững

Theo một báo cáo của SSI Research, Việt Nam nhập khẩu 110 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc (chiếm 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam) và xuất khẩu 61 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc (chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Cửa khẩu Hữu Nghị Lạng Sơn (đây là cửa khẩu biên giới lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc) mỗi ngày có 1.300 xe container qua lại, tương đương với khoảng 500.000 TEU hàng hóa. Mỗi container có thể yêu cầu các dịch vụ khác nhau như: thông quan, lưu kho và depot, xử lý và xếp dỡ hàng...

Quy mô thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc (xuất khẩu sang tất cả các quốc gia) đạt 250 tỷ USD vào năm 2021, tăng 31% so với cùng kỳ.

Điểm đáng chú ý là dự án này đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của VTP trong việc đa dạng hóa nguồn thu, giảm sự phụ thuộc vào mảng chuyển phát nhanh nhờ tận dụng lợi thế của công ty là đơn vị cung cấp dịch vụ logistics của Tập đoàn Viettel (tập đoàn hoàn toàn thuộc sở hữu Nhà nước, dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng).

Theo kế hoạch sơ bộ, dự án Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn được kỳ vọng mang lại doanh thu 506 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 17 tỷ đồng vào năm 2025.

Hai dự án chiến lược trong lĩnh vực chuyển phát và logistics của VTP hứa hẹn mang về lợi nhuận khủng
Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của VTP trong việc đa dạng hóa nguồn thu, giảm sự phụ thuộc vào mảng chuyển phát nhanh

Trong khi đó, trung tâm thương mại Vipo Mall, dự án thứ hai trong chiến lược mở rộng của VTP vốn là một nền tảng thương mại điện tử bán sỉ, tập trung kết nối người tiêu dùng Việt Nam với các nền tảng lớn của Trung Quốc như Taobao, 1688, Pinduoduo và JD. Ngoài ra, nền tảng này còn kết nối với các nhà bán hàng quốc tế từ Hàn Quốc, Nhật Bản, và Úc.

Với mô hình kinh doanh này, Vipo Mall được kỳ vọng tạo ra giá trị gia tăng đáng kể thông qua việc mở rộng quy mô giao dịch xuyên biên giới. Theo dự báo, Vipo Mall sẽ đạt doanh thu 365 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 11 tỷ đồng vào năm 2025.

Theo Chứng khoán Vietcap, tổng đóng góp của hai dự án được dự đoán đạt 18 nghìn tỷ đồng doanh thu dịch vụ và 672 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn 2025-2033. Tuy nhiên, do các khoản đóng góp từ hai dự án này chưa được đưa vào dự báo chính thức, VCI Research nhận định tiềm năng điều chỉnh tăng trong dự báo tăng trưởng của VTP là rất lớn.

Sự ra đời của Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn và Vipo Mall cho thấy chiến lược mở rộng đồng bộ và hiệu quả của VTP trong bối cảnh ngành chuyển phát nhanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Đồng thời, các dự án này còn giúp VTP củng cố vị thế trong lĩnh vực logistics xuyên biên giới, tận dụng tối đa lợi thế từ hệ sinh thái của Tập đoàn Viettel, góp phần vào tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn.

BCG Energy - quân bài chiến lược trong phát triển bền vững của Bamboo Capital

Trước thách thức của biến đổi khí hậu, Bamboo Capital tiên phong đầu tư vào năng lượng tái tạo thông qua BCG Energy, với mục ...

BAF Việt Nam bổ nhiệm thêm hai Phó Tổng Giám đốc, đẩy mạnh chiến lược M&A trong lĩnh vực chăn nuôi

Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) vừa bổ nhiệm hai Phó Tổng Giám đốc mới là ông Nguyễn Văn Minh và ...

Thủ tướng: Việt Nam có lợi thế chiến lược và quyết tâm phát triển bằng được ngành công nghiệp bán dẫn

Giao các nhiệm vụ chung và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ...

Hoàng Anh

Hoàng Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán