Hệ quả kinh tế từ việc Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm Mỹ là gì?
Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm Mỹ, khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt, chi phí vay leo thang và gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế.
Thị trường tài chính toàn cầu ghi nhận phản ứng mạnh mẽ sau khi Moody’s – một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới – hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Mỹ từ mức Aaa xuống Aa1.
Động thái này đã kích hoạt làn sóng bán tháo trên thị trường trái phiếu, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn tăng vọt trong phiên giao dịch đầu tuần.
Theo các chuyên gia phân tích chia sẻ với ABC News, diễn biến này có thể dẫn tới một loạt hệ lụy, trong đó đáng lo ngại nhất là việc lãi suất vay tiêu dùng tăng cao từ thẻ tín dụng, vay mua nhà, đến các khoản vay doanh nghiệp qua đó đè nặng lên đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Thông báo hạ tín nhiệm của Moody’s xuất hiện trong bối cảnh thị trường trái phiếu Mỹ vốn đang biến động mạnh, đặc biệt sau các đề xuất cắt giảm thuế quy mô lớn từ phía Đảng Cộng hòa, được cho là có thể khiến thâm hụt ngân sách thêm trầm trọng.
Trong phiên đầu tuần, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm có thời điểm vượt ngưỡng 5,01% – mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây – trước khi hạ nhiệt về mức quanh 4,92% vào giữa phiên. Lợi suất tăng khi giá trái phiếu giảm, phản ánh tâm lý dè dặt của nhà đầu tư trước khả năng rủi ro tài khóa gia tăng.
Ông John Sedunov, giáo sư tài chính tại Đại học Villanova, nhận định: "Khi xếp hạng tín nhiệm bị hạ, đó là dấu hiệu rủi ro tăng lên, đồng nghĩa với chi phí vay cũng sẽ cao hơn. Điều này khiến cho bất kỳ khoản vay tiêu dùng nào đều sẽ trở nên đắt đỏ hơn”.
Không chỉ người tiêu dùng, khu vực doanh nghiệp cũng có thể chịu tác động gián tiếp từ diễn biến này. Mặt bằng lãi suất cao hơn có thể khiến các doanh nghiệp thu hẹp kế hoạch mở rộng hoặc tuyển dụng, làm suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế.
Ông Bianco cho biết: “Điều này có thể tạo ra áp lực giảm lên nền kinh tế nếu lãi suất tiếp tục leo thang. Câu hỏi đặt ra là mức lãi suất nào mới thực sự đáng lo?”.
Mặc dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng tác động tiêu cực từ quyết định của Moody’s phần lớn mang tính thời điểm. Bà Callie Cox, chiến lược gia tại Ritholtz Wealth Management, đánh giá: “Thông tin này không gây bất ngờ vì đã được dự báo từ trước, vấn đề là nó đến đúng lúc thị trường đang nhạy cảm".
Moody’s là tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn cuối cùng còn duy trì mức đánh giá cao nhất cho Mỹ, sau khi Fitch hạ bậc tín nhiệm vào năm 2023 và S&P thực hiện điều tương tự vào năm 2011. Do đó, động thái lần này được xem như một lời cảnh báo mang tính biểu tượng cao.
Trong bối cảnh nợ công của Mỹ đã chạm ngưỡng 36 nghìn tỷ USD, giới phân tích lo ngại rằng chính phủ sẽ phải dành một phần ngày càng lớn trong ngân sách cho chi phí lãi vay. Áp lực này có thể tạo ra vòng xoáy tài chính, trong đó chi phí nợ ngày càng phình to, buộc chính phủ vay thêm để trả lãi.
Dù vậy, phản ứng của thị trường chứng khoán vẫn tương đối ổn định. Chỉ số S&P 500 có lúc giảm hơn 1% trong phiên thứ Hai nhưng đã phục hồi phần lớn mức giảm. Dow Jones và Nasdaq cũng diễn biến tương tự, cho thấy nhà đầu tư vẫn kỳ vọng tình hình tài chính Mỹ sẽ không chuyển biến quá tiêu cực trong ngắn hạn.