Fed phát tín hiệu giữ nguyên lãi suất do thị trường còn nhiều biến số

20/05/2025 - 09:27
(Bankviet.com) Fed phát tín hiệu giữ nguyên lãi suất ít nhất đến tháng 9 do kinh tế còn nhiều bất định, nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào khả năng cắt giảm lãi suất năm nay.
Xu hướng - Nhận định

Fed phát tín hiệu giữ nguyên lãi suất do thị trường còn nhiều biến số

Hoàng Thái 20/05/2025 07:33

Fed phát tín hiệu giữ nguyên lãi suất ít nhất đến tháng 9 do kinh tế còn nhiều bất định, nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào khả năng cắt giảm lãi suất năm nay.

Nhiều quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy lập trường thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, cho rằng lãi suất cơ bản có thể chưa được điều chỉnh trước tháng 9 do môi trường kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều bất định.

Fed dự kiến sẽ tổ chức các cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 6, 7 và 9. Tuy nhiên, giới đầu tư hiện chỉ đặt xác suất chưa tới 10% cho khả năng hạ lãi suất tại cuộc họp ngày 17-18/6, theo dữ liệu hợp đồng tương lai quỹ liên bang. Kỳ vọng về số lần giảm lãi suất trong năm đã điều chỉnh từ 4 lần (vào cuối tháng 4) xuống còn 2 lần, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm.

Fed phát tín hiệu giữ nguyên lãi suất
Fed phát tín hiệu giữ nguyên lãi suất ít nhất đến tháng 9

Phát biểu tại một hội nghị do Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp (MBA) tổ chức ngày 19/5, Chủ tịch Fed New York John Williams nhấn mạnh: “Không phải đến tháng 6 hay tháng 7 chúng ta mới có thể hiểu rõ được diễn biến. Đây sẽ là quá trình thu thập dữ liệu, theo dõi các tín hiệu kinh tế và đưa ra quyết sách một cách cẩn trọng”.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/5 theo giờ Mỹ (rạng sáng 20/5 giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones nhích nhẹ 0,3%, trong khi S&P 500 và Nasdaq hầu như đi ngang. Tâm lý nhà đầu tư chịu tác động sau khi Fed phát tín hiệu rằng cơ quan này chưa vội cắt giảm lãi suất do môi trường kinh tế vẫn còn nhiều biến số.

Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cũng đồng quan điểm khi phát biểu bên lề Hội nghị Thị trường Tài chính 2025, tổ chức tại Florida. Ông cho rằng Fed cần chờ đợi thêm 3-6 tháng để có cái nhìn rõ ràng hơn, đặc biệt là về tác động từ các cuộc đàm phán thương mại quốc tế đang diễn ra.

Ông Bostic cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television: “Nếu các cuộc đàm phán này kéo dài, chúng ta sẽ không thể đánh giá đầy đủ tác động cho đến vài tháng sau đó”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng nếu tiến trình đàm phán diễn ra nhanh và thuế quan được điều chỉnh sớm hơn dự báo, Fed hoàn toàn có thể linh hoạt điều chỉnh chính sách.

Bostic cho rằng chính sách tiền tệ hiện tại đang “hơi thắt chặt”, nghĩa là tạo ra một lực cản nhất định đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ông cho rằng đây là trạng thái phù hợp trong bối cảnh người tiêu dùng và doanh nghiệp đang tạm hoãn các quyết định chi tiêu lớn để chờ đợi rõ ràng hơn về chính sách thuế và thương mại.

Tương tự, Phó Chủ tịch Fed Philip Jefferson nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi sát các chỉ số kinh tế và kiên nhẫn với chính sách hiện hành. “Với mức độ bất định hiện nay, việc chờ đợi và đánh giá kỹ lưỡng là cần thiết nhằm tránh nguy cơ lạm phát kéo dài”, ông Jefferson phát biểu tại cùng hội nghị.

Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari cũng ghi nhận nền kinh tế Mỹ đang có những tín hiệu tích cực trong các tháng đầu năm, đặc biệt là trên mặt trận lạm phát. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các chính sách thuế quan mới có thể khiến triển vọng trở nên khó đoán, buộc Fed cần giữ nguyên lãi suất để quan sát thêm các diễn biến.

“Có rất nhiều yếu tố bất định mà chúng tôi đang phải vượt qua”, ông Kashkari nói. “Chúng tôi đang chờ đợi thêm dữ liệu trước khi hành động”.

Trong cuộc họp đầu tháng 5 Fed đã giữ nguyên lãi suất, cho thấy sự thận trọng trong bối cảnh các rủi ro liên quan đến chính sách thuế quan và thương mại còn hiện hữu. Các nhà hoạch định chính sách tiếp tục đánh giá rủi ro gia tăng đối với cả tăng trưởng việc làm và ổn định giá cả trong ngắn hạn.

Hoàng Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán